UBND tỉnh triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chiều nay (12/5), UBND
tỉnh tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành, đơn vị và địa phương triển khai thực
hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng chí Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp
Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc,
gia cầm được tỉnh rất quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo,
như: Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 30/12/2024 về ban hành Kế
hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm
2025; Công văn số 1365/UBND-NN ngày 25/02/2025 về việc tập trung chỉ đạo thực hiện
nghiêm công tác tiêm phòng Vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2025 và tăng cường công
tác phòng chống dịch bệnh động vật; Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 18/4/2025 về
việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống
dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Sở Nông nghiệp và Môi trường
thành lập các đoàn công tác kiểm tra tại cơ sở. Công tác tuyên truyền được
chú trọng nhất là tập trung tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học, các
biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động cho đàn vật nuôi đặc biệt là tiêm
phòng vắc xin...
Báo cáo tại buổi làm việc, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi
và Thú y tỉnh Đặng Văn Minh cho biết: Trên
địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay xảy ra nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm
nguy hiểm trên đàn vật nuôi như Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Lở mồm long móng
(LMLM), Cúm gia cầm (CGC), bệnh Dại. So với cùng kỳ năm 2024, bệnh DTLCP giảm
hơn nhưng diễn biến vẫn khá phức tạp; một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây
truyền từ động vật sang người có chiều hướng tăng.
Chi cục
trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đặng Văn Minh báo cáo
Từ 01/01/2025 08/5/2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 ổ DTLCP tại 13 huyện, thành, thị; tổng số lợn buộc tiêu
hủy 1.700 con, trọng lượng 99.021 kg (từ
01/01/2024 - 08/5/2024 xảy ra 100 ổ dịch tại 20 huyện, thành, thị; số lợn tiêu hủy
2.383 con; trọng lượng 122.100 kg).
Các huyện có số ổ dịch nhiều, số
lượng tiêu hủy lớn gồm: Yên Thành (11 ổ dịch), Đô Lương, Nghi Lộc (10 ổ dịch/huyện), Quỳnh Lưu (09 ổ dịch), Anh Sơn, Thanh
Chương (07 ổ dịch/huyện). Đặc biệt có 2 ổ dịch tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong và xã Đôn
Phục, huyện Con Cuông diễn biến khá phức tạp, dây dưa kéo dài.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang còn
53 ổ DTLCP chưa qua 21 ngày tại 11 huyện, thành. So với các tháng đầu năm, thời gian gần đây số ổ DTLCP có dấu hiệu
tăng nhiều tại các địa phương như Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Nghi Lộc, Thanh
Chương,...
Về bệnh
dại, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 ổ dịch trên động vật tại 04
huyện, gồm: Tân Kỳ, Đô Lương 02 ổ/huyện, Nghĩa Đàn và Nam Đàn 01 ổ/huyện. Số
chó mắc bệnh, buộc tiêu hủy 06 con. Có 02 người tử vong do bệnh Dại tại 02
huyện Nghĩa Đàn và Kỳ Sơn. Hiện nay, còn 01 ổ dịch bệnh Dại chưa
qua 21 ngày tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương.
Toàn tỉnh xảy ra 02 ổ dịch CGC A/H5N1 tại huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu; số gia cầm mắc
bệnh, buộc tiêu hủy là 2.503 con vịt.
Lãnh đạo
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhấn mạnh:
Với tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay cùng các nguyên nhân như tỷ
lệ tiêm phòng vắc xin chưa đạt tỷ lệ bảo hộ 80% tổng đàn; chưa kiểm soát chặt
chẽ công tác vận chuyển động vật, nhất là việc cấp con giống các dự án chưa
tuân thủ đầy đủ quy định về phòng chống dịch bệnh; chưa tổ chức kiểm soát giết
mổ triệt để; người dân còn giấu dịch, bán chạy động vật khi nghi mắc bệnh; công
tác tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh còn sai quy trình hoặc tiêu hủy không triệt để vật
nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh; đàn chó mèo thả rông còn phổ biến, chưa được quản
lý chặt chẽ; chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng vắc xin tại các
cơ sở kinh doanh thuốc thú y, cơ sở/hộ chăn nuôi; thời tiết diễn
biến phức tạp làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi nên nguy cơ bệnh DTLCP, LMLM,
Dại, CGC và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát
sinh và lây lan thời gian tới rất cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Xuân Học báo cáo, làm rõ
thêm một số nội dung
Phó Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Xuân Học cho biết thêm: Qua kiểm tra thực
tế tại các địa phương, một số địa phương không nắm được số hộ chăn nuôi nên
không nắm bắt được tình hình để kịp thời xử lý khi xuất hiện các ổ dịch. Một số
vùng khi xuất hiện ổ dịch không tổ chức lập chốt kiểm soát; việc vứt xác động
vật còn bừa bãi... Bên cạnh đó, sau Tết thời tiết mưa kéo dài nên dễ xảy ra
dịch bệnh. Một thực tế nữa là các cán bộ thú y ở cơ sở khi đi kiểm tra còn chưa
tuân thủ quy trình, hầu như không mang đồ bảo hộ, do đó làm tăng nguy cơ lây
lan dịch bệnh từ hộ này sang hộ khác, đề nghị các huyện cần phải hết sức quan
tâm.
Là địa phương xảy ra 10 ổ DTLCP, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Trần Văn
Hiến báo cáo công tác phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là công tác tiêm
phòng vắc xin trên gia súc, gia cầm
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dinh báo cáo tình hình dịch
bệnh trên địa bàn huyện, nhất là khó khăn trong kiểm soát việc vứt xác động vật
ở cuối nguồn hệ thống kênh mương
Tại buổi làm việc, cùng với việc báo cáo tình hình dịch
bệnh và công tác chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên
địa bàn, lãnh đạo các địa phương đã nêu lên một số khó khăn đồng thời nêu lên
một số kiến nghị để tỉnh, các Sở, ngành chức năng quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kết luận
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn
Đệ yêu cầu các địa phương đề cao tinh thần chủ động và quyết liệt trong triển
khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm,
nhất là Công
điện số 09/CĐ-UBND ngày 18/4/2025
của UBND tỉnh.
Các huyện, thành phố, thị xã coi trọng công tác thông tin
tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về công tác phòng chống
dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và
dập dịch sớm; lưu ý các huyện Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn và các địa phương có
ổ dịch kéo dài, lãnh đạo địa phương phải quan tâm. Cùng với đó, quan tâm đến
việc kiểm soát, vận chuyển sản phẩm động vật; kiên quyết xử lý việc vứt xác
động vật bừa bãi. Tiếp tục nâng cao công tác tiêm phòng.
Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương
quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh tôm nuôi nước lợ; thực hiện việc hỗ trợ
cho người dân theo đúng quy định. Tăng cường quản lý nhà nước về chăn nuôi,
giết mổ gia súc, gia cầm. Người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp xã phải
chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các
Sở, ngành, đơn vị liên quan trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường sau cuộc họp này
phải thành lập Đoàn kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa
phương; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị thuốc, hóa chất, vắc xin,
thiết bị cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh; thực hiện việc khen
thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong
phòng chống và phê bình những cá nhân, tổ chức không quan tâm, lơ là, chủ quan
để dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại nặng nề...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy
tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên
địa bàn.
Phan Quỳnh