Xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu là
“vựa dứa” lớn nhất tỉnh với trên 850 ha, trong đó có trên 30 ha dứa được
trồng theo hướng hữu cơ đạt thu nhập vượt trội trên 400 triệu
đồng/ha/vụ.
Dọc những triền đồi dứa bạt ngàn ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu), nông dân
đang hối hả thu hoạch dứa để kịp cấp hàng cho thương lái. Trên những
trục đường ra tận ruộng dứa, xe ô tô nối đuôi nhau chờ “ăn hàng”. Nét
mới năm nay là các diện tích dứa trồng theo hướng hữu cơ “trúng” to, giá
cao gấp 4 lần so với dứa thường.
Anh Nguyễn Văn Thắng, ở xóm 1, xã Tân Thắng, cùng vợ, con đang
“đóng” dứa hữu cơ vào thùng giấy để vận chuyển, phấn khởi nói: Gia đình
có trên 5 ha dứa hữu cơ được trồng từ những năm 2018, trước đây giá
khoảng 10.000 đồng/kg, vụ này tăng vọt lên 20.000 đồng/kg. Mỗi ha dứa
hữu cơ cho năng suất 20 tấn, doanh thu khoảng trên 400 triệu đồng/ha/vụ.
Đầu ra cho loại dứa này rất dễ tiêu thụ, có một số siêu thị ở các
tỉnh phía Nam ra tận nơi để đặt hàng. Tuy nhiên, để trồng được dứa theo
hướng hữu cơ phải thực hiện được các yêu cầu khắt khe như: Không dùng
thuốc trừ cỏ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh
trưởng; chủ yếu dùng các loại phân chuồng hoai mục để chăm bón cho dứa.
Trồng dứa hữu cơ năng suất tuy thấp nhưng giá trị kinh tế rất cao.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết: Tân
Thắng là địa phương có diện tích dứa lớn nhất tỉnh, với 1.200 ha, trong
đó có trên 500 ha đang thu hoạch, sản lượng toàn xã ước đạt gần trên
6000 tấn, đem lại nguồn thu không nhỏ cho bà con. Dứa chủ yếu là giống
Queen và Cayen có chất lượng tốt, năng suất cao, được thị trường ưa
chuộng trong nhiều năm qua.
Dứa hữu cơ quả ngọt, thơm, ngon, ngọt, giàu chất dinh dưỡng. Ảnh: Văn Trường
Năm nay cơ bản dứa được mùa, được giá, bình quân dứa đạt trên 40
tấn/ha, bán với giá 7.500 đồng/kg, thu về gần 300 triệu đồng/ha/vụ.
Trong đó, toàn xã có trên 30 ha của người dân xây dựng mô hình trồng dứa
hữu cơ đều đạt thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/vụ. Về lâu dài, xã đang
khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng dứa hữu cơ, “dứa sạch”
để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Khánh, đầu ra cho dứa đang rất thuận lợi.
Từ năm 2022 đến nay, Nhà máy dứa Đồng Giao thu mua dứa cho bà con trên
địa bàn xã khoảng trên 4.500 tấn dứa (đạt trên 80% sản lượng). Thông qua
ký kết giữa nhà máy và các hộ dân, nhà máy thu mua dứa cho bà con tại
vườn theo giá thị trường từ 6.000-7.500 đồng/kg tuỳ theo trọng lượng quả
với số lượng không hạn chế, phía nhà máy trực tiếp vào thu mua và vận
chuyển.

Việc nhà máy ký kết tiêu thụ dứa cho bà con thực sự rất quan
trọng, nhằm phát triển vùng nguyên liệu dứa ổn định, hơn hết là người
trồng dứa không còn lo lắng đầu ra.
Nguyên nhân khiến giá dứa ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu tăng cao là
do mùa hè nắng nóng, nhu cầu mua dứa để giải nhiệt tăng mạnh, chưa kể
là các thị trường ở miền Nam cũng đổ xô về vùng dứa Tân Thắng để thu
mua.
Dứa được mùa, được giá, người dân yên tâm sản xuất. Xã Tân Thắng chỉ
đạo các xóm đưa vào sản xuất các giống tốt, năng suất cao thay thế những
diện tích dứa lâu năm. Đồng thời, đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại,
áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc dứa nhằm đạt năng suất và chất lượng,
xây dựng thương hiệu dứa Tân Thắng phát triển theo hướng bền vững.
Nguồn: Báo Nghệ An (8/4/2024)