image banner

image advertisement image advertisement

Nông dân Nghệ An lần đầu tiên vận hành lò đốt than sinh học cải tạo đất
Mô hình lò đốt than sinh học biochar vừa được UBND, Hội Nông dân huyện Đô Lương triển khai thí điểm với số lượng 20 hộ tham gia. Mỗi hộ được tài trợ 1 lò đốt than sinh học biochar nhằm biến phế, phụ phẩm nông nghiệp thành chất cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng.

Chia sẻ về mô hình “mới toanh” vừa được Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân huyện triển khai, các hộ gia đình ở xã Thịnh Sơn cho biết, họ rất hào hứng và bất ngờ về những tác dụng tích cực của lò đốt than sinh học đối với cuộc sống và sản xuất nông nghiệp.

Anh-tin-bai

Mô hình lò đốt than sinh học biochar triển khai đầu tiên ở huyện Đô Lương. Ảnh: H.T

Anh Lê Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Sơn là 1 trong 20 hộ đầu tiên ở huyện Đô Lương bắt tay vận hành lò đốt than sinh học. Anh Dũng cho biết, sử dụng loại lò đốt này khá đơn giản, ai cũng có thể làm được. Ngoài cấu tạo 1 vỏ lò với 2 phần sắt thép ghép với nhau bằng các khóa móc, thì ở giữa chỉ có 1 lõi sắt hình phễu dùng để tạo buồng đốt yếm khí (hạn chế oxy) để giúp nguyên liệu sau đốt trở thành than sinh học chứ không hóa thành tro.

Nguyên liệu cho lò đốt sinh học này là các loại phế phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ như vỏ trấu, rơm rạ, vỏ dăm gỗ, các loại cành cây, lá cây, lá rau, cỏ… đã phơi khô khoảng 70%. Quá trình đốt của loại lò này không tạo ra khói và không thải mùi gây khó chịu ra môi trường xung quanh.

Sau khi đốt các phế phẩm nông nghiệp khoảng 5 tiếng sẽ cho thu hoạch than sinh học. Loại than này có nhiều ứng dụng trong đời sống nhờ tính thân thiện môi trường và những lợi ích nó mang lại, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp.

 

Than sinh học giúp cải thiện độ tơi xốp của đất, khả năng giữ nước rất cao, chống thất thoát bay hơi hay ngấm vào tầng sâu sau khi tưới trong mùa nắng; chống xói mòn đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn có lợi sống trong đất, thu hút và giữ nguồn dinh dưỡng để nhả dần ra cho cây trồng… Chính vì thế mà than sinh học giúp tăng sản lượng cây trồng, nhất là khi kết hợp với các loại phân hữu cơ khác.

Ngoài tác dụng cải tạo đất, lò đốt than sinh học này còn có thể sử dụng, ứng dụng phục vụ sấy các loại nông sản, chế biến sâu các loại nông sản để bảo quản hiệu quả hơn, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Vì thế, đây là mô hình rất hữu ích cho việc tận dụng nguồn sinh khối và phế phẩm nông nghiệp lớn ở các địa phương đang phải dùng những công nghệ đốt lạc hậu, thải nhiều khói bụi và khí thải độc hại ra môi trường.

Anh-tin-bai

Sản phẩm thu được sau quá trình đốt yếm khí là than sinh học. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Bá Châu – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đô Lương cho biết, 20 lò đốt than sinh học đầu tiên được triển khai cho người dân là từ nguồn do lãnh đạo UBND huyện kết nối, kêu gọi hỗ trợ bà con. Dự kiến nhà tài trợ sẽ hỗ trợ các nông hộ trên địa bàn huyện 200 lò đốt than sinh học.

Qua thực hành và ứng dụng sản phẩm từ 20 lò đốt cho thấy, người dân rất hưởng ứng và thấy rõ được tác dụng giảm thiểu rác thải sinh hoạt, tận dụng được nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp; đồng thời, tạo thêm cho sản xuất nông nghiệp một loại phân bón hữu cơ chất lượng cao.

Anh Lê Văn Dũng cho biết, việc các hộ nông dân tích cực ứng dụng các mô hình phục vụ sản xuất xanh ở xã Thịnh Sơn như lò đốt than sinh học, nuôi sâu can xi, ủ phân hữu cơ từ rơm rạ… là các hoạt động hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và các nội dung mà UBND và Hội Nông dân huyện Đô Lương đã đề ra trong thực hiện các mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, các xã nông thôn mới nâng cao.

Đối với xã Thịnh Sơn, hàng năm các nông hộ đặt mục tiêu tham gia xây dựng từ 1 - 2 mô hình kinh tế; hỗ trợ bằng con giống, kiến thức, giúp đỡ ít nhất cho 01 hộ nghèo góp phần giảm nghèo bền vững; 100% chi hội thực hiện tốt thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Xây dựng ít nhất 10 mô hình hộ nông dân thực hiện chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học dày và mô hình hội viên nông dân thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, ủ phân hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Đô Lương cũng cho biết, hội luôn coi trọng việc kết nối, phổ biến kiến thức và vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các đề án phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp sạch, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đem lại giá trị kinh tế cao.

 Quy trình hoạt động của lò đốt than sinh học: Cấu tạo của lò đốt giúp kiểm soát chặt chẽ lượng oxy, nhiệt sinh ra trong quá trình đốt tác động trực tiếp lên sinh khối (ở đây sẽ là phế phẩm nông nghiệp) và gây ra hiệu ứng nhiệt phân. Khi các phế phẩm nông nghiệp được nung nóng từ nhiệt độ 8500C sẽ tạo ra khí gas (một dạng khí hóa) và gas lại được đưa vào buồng đốt để tạo ra sự tuần hoàn cháy liên tục.

Do sự cháy từ gas nên không gây ra khói, gas được đốt cháy hoàn toàn nên phát thải các khí NOx, CO cực thấp. Hiệu ứng nhiệt phân và không cung cấp oxy cho buồng đốt (yếm khí), do đó không sản sinh ra khí CO2 (Carbon) thải ra môi trường ở dạng khí, mà được giữ lại dưới dạng than sinh học biochar (biochar là một dạng của Carbon).


Thu - Phúc

Nguồn: Báo Nghệ An (19/8/2023)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image