Thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu
thụ hải sản của người dân tăng cao, cộng với giá xăng dầu tăng khiến cho
giá các mặt hàng này cũng đội lên 30 - 50%, đặc biệt có loại tăng gấp
đôi.
Giá hải sản tăng mạnh
Khu
vực buôn bán hải sản tươi sống ở phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai)
là nơi bày bán phong phú các mặt hàng. Với 4 hộ dân chuyên thu mua hải
sản từ các nơi về rồi sau đó phân loại, nuôi nhốt trong bể để phục vụ
khách hàng.
Khu vực bán hải sản ở phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Việt Hùng
Anh Nguyễn Văn Hưng, hộ buôn bán hải sản
phường Quỳnh Phương cho biết, thời điểm này, giá các mặt hàng hải sản
đều tăng, đặc biệt là cua, ghẹ tăng cao hơn cả mức đỉnh dịp kỳ nghỉ lễ
30/4. Một số loại tăng gấp đôi so với trước. Mỗi ngày, gia đình anh thu
mua trên 300 kg hải sản từ các xã ven biển như: ốc mỡ, ngao biển, vẹm,
cá mú, cua đá... về phân loại, nuôi nhốt để bán dần cho khách.
Theo
anh Hưng, những khó khăn về thời tiết và biến động giá xăng dầu khiến
giá nhiều loại hải sản trong nước tăng vượt hàng ngoại nhập như cua,
ghẹ. Giá xăng dầu tăng trong thời gian gần đây cũng khiến cho ngư dân
ít ra biển đánh bắt hải sản hơn dẫn tới nguồn cung giảm. Đồng thời,
hiện đang là mùa nước chảy, việc đánh bắt khó khăn hơn cũng đẩy giá
thành một số loại hải sản tăng mạnh, đặc biệt là cua, ghẹ.
Ghi nhận tại điểm bán hải sản lớn nhất thị xã Hoàng Mai, giá cua biển
từ mức 350.000 - 400.000 đồng lên 580.000 - 600.000 đồng/kg, tăng
khoảng 50 - 65%; Bạch tuộc từ 150.000 - 170.000 đồng lên mức 220.000 -
250.000 đồng/kg, tương ứng mức tăng gần 50%. Các loại hải sản có mức
tăng cao nhất là mực sim, từ mức 200.000 - 220.000 đồng/kg tăng lên
400.000 đồng/kg, tương đương với mức tăng 90 - 100%; Ốc hương từ mức
300.000 - 350.000 đồng/kg lên 660.000 - 700.000 đồng/kg; Tôm sú tăng lên
330.000 đồng/kg từ mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg/30 con, tôm sú
loại to khoảng 550.000 - 600.000 đồng/kg/15 - 20 con,… tương ứng mức
tăng từ 100 - 200%.
Khảo sát tại chợ hải sản xã Quỳnh Nghĩa
(Quỳnh Lưu) cũng ghi nhận mức giá tăng cao. Trung bình, cua biển có giá
540.000 - 570.000 đồng/kg; Tôm tít 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy loại;
Ngao biển 200.000 đồng/kg; ốc mỡ loại 3 giá 200.000 đồng/kg (tăng 50 %
giá so với trước đây)..
Doanh nghiệp chế biến gặp khó
Chị
Nguyễn Thị Hoa, một thương lái thu mua hải sản xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu)
cho biết, giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu không dám đi biển vì sợ lỗ
dầu, do đó, nguồn cung cấp hải sản hạn chế rất nhiều. Cơ sở của chị chủ
yếu thu mua hải sản từ các tàu quen biết, đồng thời thu gom ở một số
thuyền khai thác gần bờ mới có hàng. Năm ngoái, mỗi tháng thu mua khoảng
hơn 15 tấn cá, mực, tôm các loại nhưng nay chỉ đáp ứng khoảng 50%.
Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) là đơn vị hoạt động tốt trong lĩnh vực chế biến hải sản.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 đến nay, đặc biệt là do ảnh hưởng của
giá dầu tăng cao khiến công ty gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu
chế biến. Ông Lực - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ cho biết: “Các
năm vào thời điểm này, mỗi tháng cơ sở thu mua hàng nghìn tấn cá nục từ
các tàu của ngư dân địa phương, tuy nhiên, mấy tháng nay chúng tôi chỉ
thu mua 100 - 200 tấn là nhiều. Doanh thu của công ty giảm rất nhiều”.
Thiếu nguồn nguyên liệu để chế biến không chỉ công ty gặp khó khăn mà
công nhân cũng mất đi nguồn thu nhập. Một công nhân làm việc tại Công ty
TNHH Thủy sản Lực Sỹ cho biết: “Mấy năm trước, công ty nhiều việc, bọn
em có thu nhập tương đối, đủ đảm bảo cho cuộc sống. Tuy nhiên, năm nay,
mỗi tháng chỉ làm được ít ngày, thu nhập quá thấp. 6 tháng đầu năm, do
số ngày làm việc quá ít nên bọn em thu nhập chưa nổi 2 triệu đồng/tháng.
Biết là khó khăn nhưng chúng em vẫn phải bám trụ, vì không còn cách nào
khác”.
Tiến Hùng
Nguồn: Báo Nghệ An(16/6/2022)