image banner

image advertisement image advertisement

Nghệ An đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của các cơ quan, đơn vị và người dân. Qua đó, giúp doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn trong việc thanh toán, khắc phục được các hạn chế trong việc sử dụng tiền mặt để thanh toán theo phương thức truyền thống; hỗ trợ triển khai các dịch vụ hành chính công được thuận lợi, nhanh chóng; giảm thời gian xử lý và đi lại cho người dân, doanh nghiệp. 

Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đưa ra nhiều giải pháp và xây dựng hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn, bổ sung tiện ích. Đồng thời, chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng độ bao phủ các điểm cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dịch vụ Mobile Money bước đầu đã được nhiều khách hàng lựa chọn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tài chính của một bộ phận khách hàng ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,

Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh có 125 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng với đa dạng các loại hình; 302 phòng giao dịch, 342 máy ATM, 11.839 đơn vị chấp nhận thanh toán. Trên 2.724 giao dịch qua Internet Banking với giá trị giao dịch đạt 76.967 tỷ đồng; gần 266.160 giao dịch qua Mobile Banking với giá trị giao dịch đạt 1.563 tỷ đồng. Đến hết ngày 6/12/2024, toàn tỉnh có 2.038 hồ sơ khách hàng cá nhân (mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng có phát sinh giao dịch trong vòng 12 tháng gần nhất), tỷ lệ sinh đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip hoặc tài khoản VneID đạt 72,71%.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp với Cục Hải quan, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh trong công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đến nay, 100% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua mạng (Hệ thống Hải quan điện tử VNACC/VCIS và Hệ thống dịch vụ công hải quan trực tuyến); 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đối với thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Trong năm 2024, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã triển khai phối hợp thu ngân sách nhà nước qua hệ thống thu thuế trực tiếp tại 08 ngân hàng (tăng 03 ngân hàng so với giai đoạn 2015 - 2020).

Kết quả thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được đẩy mạnh. Đến thời điểm hiện tại, có 28 dịch vụ công đã thực hiện mở tài khoản tại Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Nghệ An để thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính có phát sinh phí, lệ phí tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Cùng với đó, ngành Giáo dục triển khai quyết liệt thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh năm học 2023 - 2024, trong đó áp dụng đa dạng hình thức thu nộp học phí (qua phần mềm Sisap, hệ thống Vnedu, tài khoản ngân hàng), đến nay, đã có 929/929 (đạt 100%) trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở triển khai thu, nộp học phí bằng hình thức không dùng tiền mặt; 98,85% học sinh (hoặc phụ huynh học sinh) đã có tài khoản tại các ngân hàng để thực hiện thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt.

Đối với công tác thu tiền điện trong nhân dân, hiện 100% các đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Nghệ An chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng, đã và đang hợp tác với 11 ngân hàng (tăng 01 ngân hàng so với năm 2023) và 9 tổ chức trung gian trong công tác thu hộ tiền điện. Đến ngày 31/10/2024, toàn tỉnh có 2.773.170 hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng, chiếm 27% tổng số hóa đơn, với số tiền thanh toán đạt 6.165 tỷ đồng (chiếm 66,4% tổng giá trị thanh toán), tăng 26,3% về số hóa đơn và 23,7% về giá trị thanh toán so với năm 2023. 

Cũng trong năm 2024, có 303.061 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp được chi trả thông qua thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm 91,8% toàn tỉnh, trong đó khu vực đô thị có 118.273 người hưởng chi trả qua ngân hàng, chiếm 97,9% khu vực đô thị (tỷ lệ này năm 2023 là 54,7%; vượt chỉ tiêu này theo kế hoạch đề ra năm 2025 là 60%); khu vực nông thôn có 184.787 người chi trả qua ngân hàng, chiếm 2,1%.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn: Tỷ lệ viện phí không dùng tiền mặt đã tăng đáng kể tuy nhiên kết quả bình quân chung cả năm còn thấp. Tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có kết quả thanh toán học phí trực tuyến chưa cao, rất ít học sinh và cha mẹ học sinh nộp các khoản qua tài khoản của trường. Một số khoản thu nhỏ như phí dịch vụ vệ sinh môi trường còn khó triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong thực tế….

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các chương trình, kế hoạch, đề án. Tăng cường công tác tuyên truyền về các lợi ích thiết thực của việc thanh toán không dùng tiền mặt để thay đổi nhận thức, thói quen của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công. Xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Mặt khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng…

T.H (tổng hợp)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image