Năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 144 vụ vi phạm trong thương mại điện tử
Sau 2 năm
thực hiện Đề án “Chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong
thương mại điện tử đến hết năm 2025” đã tạo ra bước chuyển quan trọng trong
việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ việc kiểm tra hàng hóa đến việc xử lý
các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Nhận thức của người
kinh doanh, người tiêu dùng rõ hơn về việc tuân thủ các quy định trong việc sản
xuất và phân phối hàng hóa, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm thiểu vi phạm.
Theo đó, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tăng
cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương
mại điện tử để chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền, địa phương tổ chức thực
hiện. Trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ngành chức năng, chính
quyền các địa phương đã căn cứ chức năng nhiệm vụ, địa bàn được giao để xây
dựng các phương án thực hiện, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác
tham mưu đến đấu tranh trực tiêp ttrong đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận
thương mại.
Xác định chống
hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là nhiệm
vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và liên tục của cả hệ thống chính trị, các
Sở, ngành đã tăng cường phối hợp để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động
kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử,
nhằm kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi
phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cùng với đó, tăng cường
công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý trong tháng cao điểm về kích cầu mua sắm
hàng hóa, hoạt động xúc tiến thương mại trong hoạt động mua sắm trực tuyến
online...
Năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm
tra, xử lý 206 vụ vi phạm trong thương mại điện tử, xử phạt hành chính trên 705
triệu đồng; phạt và truy thu thuế thương mại điện tử trên 11.634 tỷ đồng. Năm
2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 144 vụ vi phạm trong thương mại
điện tử, xử phạt hành chính trên 1,2 tỷ đồng; phạt và truy thu thuế thương mại
điện tử trên 5,1 tỷ đồng. Qua hoạt động kiểm tra cho thấy các hành vi vi phạm
chủ yếu như: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan
quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng
dịch vụ đến người tiêu dùng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website
thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website; cung cấp thông
tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet; kinh
doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu, hàng giả qua mạng xã hội
Facebook, Zalo,...
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những thách
thức trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng
như: Các đối tượng kinh doanh thường không có địa điểm kinh doanh cố định, đa
số tận dụng nhà ở để chứa hàng hóa và thường quảng cáo ngay tại nhà ở nên khi
khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gây phức tạp và mất
thời gian; việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán hàng trên các trang
mạng xã hội, nhất là các trang mạng xã hội mà chủ thể quản lý ở nước ngoài như
Facebook, Twiter, Instagram,... là khá dễ dàng theo hướng “mở”, do đó các đối
tượng cố tình vi phạm thường lợi dụng để mở nhiều tài khoản, đăng ký các thông
tin địa chỉ “ảo” mà không cung cấp thông tin thật; các bài đăng thường không
ghi địa chỉ cụ thể gây khó khăn trong việc truy xuất thông tin, xác định địa
điểm...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng trong thương mại điện tử đến hết năm 2025”, các cấp,
ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật trong thương
mại điện tử dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận
thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu,
hàng giả và gian lận thương mại. Tuyên truyền cho người tiêu dùng thực hiện
việc mua sắm tại các trang webside thương mại điện tử bán hàng, các sàn giao
dịch điện tử uy tín để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp... Bên cạnh đó, thực hiện
các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, xác minh các thông tin,
kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh
doanh các loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buôn lậu, gian lận thương mại trên
địa bàn... Chỉ đạo việc thực hiện tăng cường công tác phối hợp giữa các lực
lượng chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn để xử lý có hiệu quả,
triệt để các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn...
T.H (tổng hợp)
(Theo Báo cáo số 993/BC-UBND ngày 6/12 của UBND tỉnh về sơ kết 2 năm
thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong
thương mại điện tử đến hết năm 2025)