image banner
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 25-30% GDP

Ngày 24/5, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 347/KH-UBND về việc triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%

Mục tiêu cụ thể được xác định: Tỷ trọng kinh tế số năm 2025 đạt 15-20%, năm 2030 đạt 25-30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, năm 2030 đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2025 đạt 8-10%, năm 2030 đạt 15-20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử năm 2025 đạt 60-80%, năm 2030 đạt 80-100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số năm 2025 đạt 40-50%, năm 2030 đạt 60-70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động năm 2025 đạt trên 2%, năm 2030 đạt trên 3%.

Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh năm 2025 đạt 80%, năm 2030 đạt 95%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác năm 2025 đạt 80%, năm 2030 trên 95%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân năm 2025 đạt trên 50%, năm 2030 đạt trên 70%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản năm 2025 đạt trên 70%, năm 2030 đạt trên 80%...

Nâng cao tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung gồm: Hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát triển nền tảng số, phát triển dữ liệu số, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng; phát triển nhân lực số; phát triển kỹ năng số, công dân số và văn hóa số; phát triển doanh nghiệp số; phát triển thanh toán số.

Trong đó, xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh; chú trọng xây dựng chính sách để nâng cao tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, ngành, lĩnh vực. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai chiến lược, lộ trình số hóa các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu khác phục vụ kinh tế số và xã hội số. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân. Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng 4G, hướng tới phủ sóng 5G đến tất cả các thôn, xóm, khu vực dân sinh trên toàn tỉnh... Phát triển nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển kinh tế số và xã hội số. 

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng nền tảng số đáp ứng các tiêu chí nền tảng số quốc gia. Thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sử dụng các nền tảng số quốc gia; xác định và xây dựng cơ chế kết nối liên thông phù hợp các nền tảng/phần mềm dùng chung trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng. 

Cùng với đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định, hoạch định chính sách và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cơ bản, kỹ năng số nâng cao, kỹ năng kỹ thuật cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyên trách chuyển đổi số, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Đào tạo đạt chuẩn kỹ năng số cho sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông. 

Các cơ quan, đơn vị triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp, mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số và được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số. Đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ, phổ cập kết nối số cho người dân. Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị IoT để quan trắc, giám sát phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng nền tảng quản trị tổng thể, nền tảng kế toán dịch vụ, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nền tảng thương mại số nông nghiệp, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng trợ lý ảo, nền tảng thiết bị IoT...

Căn cứ các nội dung trong Quyết định số 411/QĐ-TTg, Kế hoạch chuyển đổi số của các Bộ, ngành chủ trì và Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh, trong đó các lĩnh vực trọng tâm gồm: Nông nghiệp và nông thôn; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, việc làm và an sinh xã hội; Thương mại, công nghiệp và năng lượng; Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học công nghệ. 

Các ngành, lĩnh vực khác tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số ngành, lĩnh vực trong đó cơ quan Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đóng vai trò nòng cốt và người dân tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực; kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn, dự báo tình hình cho doanh nghiệp và người dân. 

Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng đề ra 7 giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; tổ chức hoạt động; hợp tác; nghiên cứu, phát triển; đo lường, giám sát triển khai; giảm thiểu các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số; bảo đảm kinh phí thực hiện.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, xác định phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ trọng tâm; chủ động, thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục; tận dụng tốt các nguồn lực đã đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số thuộc phạm vi quản lý; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Kim Oanh (tổng hợp)

Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 

Liên hệ

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 Điện thoại: 02383.557.565

 Email: banbientap@nghean.gov.vn

 fb.com/congthongtindientutinhnghean

 Đăng nhập