image banner
Đến năm 2025, phấn đấu số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 98%

Ngày 11/9, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 671/KH-UBND về phát triển hạ tầng số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025.

Phấn đấu tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%

Kế hoạch được ban hành nhằm phát triển hạ tầng số băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng số được ưu tiên phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với lộ trình phát triển hạ tầng số Quốc gia phục vụ xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Đồng thời, kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số. Thị trường sản phẩm, dịch vụ hạ tầng số phát triển nhanh, bền vững trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh, hộ gia đình có đường cáp quang tương đương hoặc cao hơn mức bình quân cả nước.

UBND tỉnh yêu cầu việc phát triển hạ tầng số phù hợp với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; đồng bộ với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan của tỉnh và địa phương. Hạ tầng số được lập kế hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác; bảo đảm nguyên tắc dùng chung, chia sẻ; tuân chủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành có liên quan. Hạ tầng số phát triển theo hướng mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ, trong đó giải pháp đột phá là hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng số. Phát triển hạ tầng số phải đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, có bước đi và lộ trình cụ thể. Hạ tầng số được phát triển an toàn, tin cậy, góp phần tạo lập niềm tin số.

Đến năm 2025, số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 98%; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao băng rộng di động 82%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh 80%; tốc độ băng rộng di động (tốc độ tải xuống theo i-Speed) 40Mbps; tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí BTS đạt 25%...

Phấn đấu 100% các cơ quan nhà nước sử dụng các nền tảng số có tính chất hạ tầng có liên quan do Trung ương triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. 100% các cơ quan Đảng và Nhà nước được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. 100% mạng máy tính và thiết bị kết nối mạng được nâng cấp đồng bộ, bảo đảm an toàn thông tin. 

Phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra 4 nhiệm vụ thực hiện, gồm: Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; phát triển hạ tầng công nghệ số; phát triển nền tảng số có tính chất hạ tầng.

Trong đó, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (4G/5G) trên phạm vi toàn tỉnh, phủ sóng đến 100% các thôn, bản; thực hiện lộ trình dừng công nghệ  di động cũ (2G/3G) và thúc đẩy chương trình sử dụng điện thoại thông minh cho  người dân theo hướng dẫn của Bộ TT&TT. Phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển; xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến (thụ động/tích cực) tích hợp với các hạ tầng liên ngành thiết yếu như giao thông, điện, nước; triển khai roaming trong tỉnh trên các hạ tầng di động 4G/5G.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, phát triển các trung tâm dữ liệu trên địa bàn tỉnh; tích hợp, sử dụng hạ tầng điện toán đám mây vào các hệ thống thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển và ứng dụng hạ tầng công nghệ số, ưu tiên công nghệ AI, blockchain, IoT, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số. 

Triển khai ứng dụng có hiệu quả các nền tảng số có tính chất hạ tầng theo Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cấp, hoàn thiện và đưa vào sử dụng các phần mềm/nền tảng số có tính chất hạ tầng theo các kế hoạch chuyên đề của tỉnh; kế hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương phục vụ xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số bảo đảm kết nối, liên thông, dùng chung, thuận tiện. 

cCác cơ quan, đơn vị thực hiện 5 giải pháp về cơ chế, chính sách; ưu tiên phát triển hạ tầng số; bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng và quyền lợi người dùng; đo lường, quản lý, giám sát; tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số.

Trong đó, phối hợp xây dựng và hoàn thiện Phương án phát triển TT&TT tích hợp vào Quy hoạch tỉnh đồng bộ với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan. Tổ chức xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ TT&TT đáp ứng yêu cầu phát triển viễn thông băng rộng, phổ cập. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định quản lý, thúc đẩy phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên, bảo đảm phát triển hạ tầng số về không gian, vị trí; tạo điều kiện để phát triển hạ tầng băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu; trạm trung chuyển Internet, trạm cập bờ kết nối quốc tế… 

Đồng thời, thực thi văn bản quy phạm pháp luật, chính sách và văn bản hướng dẫn thi hành về bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu số, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Tổ chức các Hội thảo, Hội nghị về hạ tầng số, kết hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến và khích lệ tinh thần, động lực của xã hội, của doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng số, từ đó thay đổi căn bản thói quen của người dân khi sống trong môi trường xã hội số. Triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của chuyển đổi từ hạ tầng công nghệ thông tin đơn lẻ sang điện toán đám mây nhằm tăng tỷ lệ sử dụng điện toán đám mây của doanh nghiệp trong nước.

Kim Oanh (tổng hợp)

Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 

Liên hệ

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 Điện thoại: 02383.557.565

 Email: banbientap@nghean.gov.vn

 fb.com/congthongtindientutinhnghean

 Đăng nhập