image banner

image advertisement image advertisement

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về ngoại giao kinh tế

Chiều tối ngày 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long; Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Khánh Thục; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh TTXVN)

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều hướng đi mới, mang tính đột phá

Triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, ngoại giao kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Ả-rập Xê-út, Hungary, Rumani, Dominicana; thăm làm việc tại Trung Quốc, Nga...

Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á.

Trong năm 2024, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai hơn 700 hoạt động ngoại giao kinh tế xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương quản bá giới thiệu, kết nối, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo và đổi mới với hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước.

Anh-tin-bai

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

 

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An đã triển khai hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai Chỉ thị số 15 và Nghị quyết số 21.

Năm 2024, tỉnh tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống và mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy thu hút đầu tư, đẩy mạnh hợp tác kinh doanh giữa hai bên.

Nổi bật là Nghệ An đã tổ chức thành công các đoàn của lãnh đạo tỉnh tại Trung Quốc, Úc, Anh, Đức, Hà Lan, Liên bang Nga, Pháp, Ý, Philippines và tháp tùng Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Pê-ru, Chi-lê, Đan Mạch, Phần Lan với các hoạt động trọng tâm về hợp tác kinh tế như làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp nước sở tại, các tập đoàn và doanh nghiệp lớn; tổ chức thành công hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước.

Nghệ An tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế với trọng tâm là các đối tác đến từ các nước lớn, có nền kinh tế phát triển, các nước đối tác quan trọng của Việt Nam; bám sát các diễn biến, xu thế chung của tình hình kinh tế thế giới và khu vực.

Tỉnh đã tổ chức đón tiếp và làm việc với các nhà đầu tư, thu được nhiều kết quả cụ thể và thiết thực. Về tổng thể, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nổi bật là dự kiến năm nay sẽ thu hút được 1,696 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm thứ 2 liên tiếp Nghệ An thu hút FDI vượt mốc 1 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2024 lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD, ước đạt 3,207 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2023, vượt 16,6% so với kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2,226 tỷ USD, tăng 56,22% so với cùng kỳ; vượt 48,4% so với kế hoạch.

Hiện tại, có khoảng hơn 100.000 người Nghệ An đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Kiều hối trung bình hàng năm khoảng 500 triệu USD.

Công tác ngoại giao kinh tế sẽ được đẩy mạnh, phát hiện và tận dụng mọi cơ hội hợp tác phát triển đất nước

Trong năm 2025, công tác ngoại giao kinh tế của đất nước sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh nội dung ngoại giao kinh tế trong các hoạt động đối ngoại cấp cao. Thành lập cơ chế trao đổi với các đối tác về đẩy mạnh triển khai các cam kết, thỏa thuận cấp cao đã đạt được. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế là trọng tâm, là đột phá của ngoại giao kinh tế thời đại mới.

Anh-tin-bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu (Ảnh TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến tại hội nghị thể hiện được trí tuệ, tầm nhìn của các cơ quan, đơn vị.

Khái quát những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024, nhất là những kết quả của hoạt động ngoại giao kinh tế, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, hoan nghênh sự đóng góp của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, của doanh nghiệp và nhân dân vào những thành tựu chung của đất nước; đánh giá các cơ quan đại diện Việt Nam ngày càng có hành động quyết liệt hơn, cụ thể hơn, bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả thực chất hơn, tin tưởng các cơ quan sẽ làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Trong quá trình hoạt động, theo Thủ tướng có những bài học kinh nghiệm cần được phát huy. Đó là các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải bám sát tình hình, diễn biến, các xu thể mới của kinh tế thế giới, nắm chắc tình hình và nhu cầu phát triển ở trong nước để có ứng xử linh hoạt, kịp thời. Triển khai công tác phải hết sức nhạy bén, kịp thời, bám sát các chỉ đạo trọng tâm của Chính phủ, bảo đảm tập trung nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, rõ lộ trình, rõ đối tác, rõ nhiệm vụ để đạt được các kết quả thực chất, cụ thể. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời giữa các Bộ, ngành, địa phương; phải yêu nghề, yêu ngành. Đối với các đối tác phải chân thành, chia sẻ, tạo sự tin cậy, tôn trọng trong quá trình thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế.

Nhấn mạnh những việc quan trọng phải làm trong năm 2025, đó là bứt phá, tăng tốc trong thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy; tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Thủ tướng cho biết phải quyết tâm tăng trưởng đạt từ 8,5% để nhiệm kỳ tới tăng trưởng đạt hai con số để tạo đà, tạo thế bước vào kỷ nguyên mới. Bởi vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, người dân và doanh nghiệp phải đồng tình, ủng hộ.

Thời gian tới cần phải tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA, thúc đẩy việc mở rộng các thị trường. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại sứ cần phải đeo bám, thay đổi cách làm để có sản phẩm cụ thể.

Cần đánh giá tiềm năng nổi trội, lợi thế cũng như hạn chế, bất cập của đối tác để có giải pháp phù hợp.

Cùng với đó, các cơ quan đại diện ở nước ngoài nghiên cứu có chính sách visa phù hợp để tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách. Kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ta với nước sở tại,…

Nhấn mạnh ngoại giao kinh tế là động lực tăng trưởng, cần làm mới các động lực truyền thống về tăng trưởng đó là về xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng trong nước. Đồng thời kết hợp với động lực tăng trưởng mới về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số... để kêu gọi, thu hút đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển thị trường phải thực chất, hiệu quả hơn...

Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan sớm ban hành thông báo kết luận hội nghị với mong muốn sau hội nghị, công tác ngoại giao kinh tế sẽ được đẩy mạnh, kết nối trong nước và ngoài nước mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn, phát hiện và tận dụng mọi cơ hội hợp tác phát triển đất nước.

PQ

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image