image banner

image advertisement image advertisement

Thanh tra Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2025

Sáng 28/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Chu Thế Huyền – Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Đảm bảo kịp thời, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch

Năm 2024, mặc dù khối lượng công việc nhiều, trong đó có nhiều nhiệm vụ, cuộc thanh tra giao đột xuất nhưng lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành Thanh tra đảm bảo kịp thời, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Anh-tin-bai

Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Trong công tác thanh tra, triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực; nhất là đã tập trung hoàn thành một số cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ; chú trọng, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, cơ bản khắc phục được tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Trong năm, toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204 ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An

Bên cạnh đó, ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.771 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.468 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 66,0% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 6.050 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 45,3%), 77 ha đất; xử lý hành chính 2.965 tổ chức, 11.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 108 vụ, 106 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 29 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 399 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 70,1%).

Ngành Thanh tra đã tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án 153.

Trong năm 2024, có 337.635 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 7% so với năm 2023), với tổng số người được tiếp là 360.086 người (giảm 9,2%) về 287.766 vụ việc (giảm 4,2%), có 2.701 đoàn đông người (giảm 23,5%). Các cơ quan hành chính tiếp nhận 447.571 đơn các loại; đã xử lý 436.662 đơn, có 366.174 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 81,8% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có 54.953 đơn khiếu nại, 21.987 đơn tố cáo, 289.234 đơn kiến nghị, phản ánh; có 30.238 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2023, số đơn các loại tăng 5,9%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 10%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 19,5%.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tập trung chỉ đạo và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhất là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện đông người lên Trung ương và tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Các cấp, các ngành có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 85,4% cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra (85%), nhất là tỷ lệ giải quyết tố cáo (đạt 88,5%).

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; nhất là thực hiện “Chiến lược quốc gia Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; tăng cường công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành đã hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, không để nợ, đọng văn bản; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và bảo vệ bí mật nhà nước của công chức thanh tra; hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; xây dựng các báo cáo, đề án trình Ban Chỉ đạo theo quy định; chuẩn bị tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, tin gọn khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Đổi mới tư duy trong thực hiện nhiệm vụ Thanh tra

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành Thanh tra đạt được trong năm 2024.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp để nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu toàn hệ thống Thanh tra phải đổi mới tư duy, xác định kỹ hơn chức năng nhiệm vụ của mình; bên cạnh phát hiện sai phạm để xử lý nghiêm thì phải thông qua công tác Thanh tra để phát hiện các sở hở trong các chính sách, qua đó tham mưu để hoàn thiện chính sách.

Bên cạnh đó, Thanh tra phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không phải trở thành lực cản của quá trình phát triển “rất nghiêm nhưng phải sát thực tế, hỗ trợ cho quá trình phát triển“. Thanh tra phải phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ; đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống giúp Đảng có cái nhìn đúng hơn về cán bộ trong toàn hệ thống của mình. Vì vậy phải thực hiện các nhiệm vụ trên có hiệu quả và đầu tư quan tâm như nhau; mục tiêu cao nhất của Thanh tra là duy trì kỷ cương phép nước, duy trì trật tự xã hội.

Hiện nay, toàn quốc đang thực hiện Nghị quyết số 18 về tinh gọn bộ máy, hiệu lực hiệu quả, vì vậy yêu cầu ngành Thanh tra sắp xếp bộ máy tinh gọn nội bộ, xây dựng tổ chức bộ máy ngành Thanh tra thực chất, có hiệu lực hiệu quả; lựa chọn cán bộ thực hiện nhiệm vụ có tâm có đức và có năng lực.

Đồng thời nâng cao chất lượng công tác thanh tra, khắc phục những tồn tại về những kết luận thanh tra “không tâm phục khẩu phục“. Tập trung công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Về công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu ngành Thanh tra hướng dẫn cho cơ sở về những biểu hiện, cách thức xử lý lãng phí; thực hiện thí điểm một số mô hình cụ thể để nhân rộng trong toàn quốc.

Đối với việc kiểm tra, kê khai tài sản, cần đánh giá việc kê khai có thực chất hay không, có phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống tham nhũng không; ‘‘phải làm thực, phải có hiệu quả, thực chất“.

“Từ những sự việc vừa qua, cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, kỹ lượng về kỷ cương, kỷ luật trong nội bội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ“ – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

PT

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image