Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại huyện Quỳ Châu
Sáng 19/9, Đoàn công tác của tỉnh do đồng
chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ làm Trưởng Đoàn đã đi kiểm tra, chỉ
đạo công tác ứng phó với cơn bão số 4 tại huyện Quỳ Châu. Cùng
đi có Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh; lãnh đạo Chi cục Thủy lợi; lãnh
đạo huyện Quỳ Châu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Nguyễn Văn Đệ cùng đoàn công tác kiểm tra điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ 48
đoạn qua địa bàn xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu
Tại xã Châu
Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã kiểm tra điểm sạt lở ta ly dương
tại km 103 + 500 QL48A. Vị trí này mặc dù đã được đầu tư hệ thống kè bê tông
nhưng đã bị xô đổ, đất đá đang tràn ra lòng đường gây cản trở giao thông. Để
đảm bảo an toàn và việc lưu thông đi lại của người dân khi qua địa bàn, Phó Chủ
tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương huy động máy móc san gạt; đồng
thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân được biết, đặc biệt là trong thời
điểm hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn. Về lâu dài cần có giải pháp để kè chống
sạt lở tại điểm này.
Đoàn công tác kiểm tra
khu vực sinh sống của người dân vùng hạ lưu thủy điện Châu Thắng tại địa bàn xã
Châu Tiến
Theo báo cáo, sáng nay
(19/9), Nhà máy thủy điện Châu Thắng đã tiến hành xả lũ qua 1 cửa
Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Nguyễn Văn Đệ và đoàn công tác đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho các hộ
dân nằm ở hạ lưu cửa xả của thủy điện Châu Thắng. Lãnh đạo huyện Quỳ Châu cho
biết, trên địa bàn bản Minh Tiến, Châu Tiến có 22 hộ dân ở thẳng hướng cửa
xả và chỉ cách khoảng 700m nên rất nguy hiểm khi thủy điện Châu Thắng xả lũ với
lưu lượng lớn.
Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu địa phương có giải pháp an toàn trước mắt theo
cấp độ và phương án cụ thể. Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh đồng ý theo đề xuất của
huyện là phải xây kè bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra trực tiếp tại Nhà máy thủy điện Châu Thắng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
kiểm tra việc vận hành điều tiết nước tại Nhà máy Thủy điện Châu Thắng
Sau khi kiểm tra, Phó
Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi và yêu cầu Nhà máy thủy điện Châu Thắng phải điều
tiết nước đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du
Để nắm tình hình cụ thể và có phương
án ứng phó hiệu quả với cơn bão số 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác
đã đến kiểm tra trực tiếp việc vận hành điều tiết nước tại Nhà máy thủy điện
Châu Thắng. Tại thời điểm kiểm tra, mực nước về hồ là 116m3/s, trong
trưa 19/9 hạ xuống khoảng 100m3/s. Cao trình hồ chứa đang ở mức
113m. Hiện nay, thủy điện đang xả qua 2 tổ máy với 1 cửa xả, tổng lưu lượng xả
là 93m3/s.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ
yêu cầu Nhà máy bám sát lưu lượng nước về hồ để điều tiết đúng quy trình và
hướng dẫn, theo dõi sát sao diễn biến của bão số 4, cắt cử lực lượng túc trực
24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống, đặc biệt khi hoàn lưu bão số 4 có
thể gây mưa lớn, lượng nước đổ về hồ sẽ lớn hơn. Huyện Quỳ Châu phải phối hợp
chặt chẽ, giám sát quá trình điều tiết nước của các thủy điện trên địa bàn, có
thông báo kịp thời đến chính quyền và nhân dân các xã khi thủy điện vận hành xả
lũ.
Đoàn công tác kiểm tra
cầu tràn khe Lan thuộc bản Na Xén, xã Châu Hạnh. Tại
khu vực này mỗi khi đến mùa mưa bão thường xảy ra ngập lụt, chia cắt nhiều hộ
dân
Cũng trong
sáng nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã đi kiểm tra tại cầu tràn
khe Lan, bản Na Xén, xã Châu Hạnh. Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn
Văn Đệ cho rằng vị trí này cần đầu tư cầu cao để mở đường tiếp cận từ huyện Quỳ
Hợp sang thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) và huyện Quế Phong khi Quốc lộ 48A bị ngập
lụt, sạt lở gây chia cắt.
Để chủ động
ứng phó với cơn bão số 4, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ
ống, lũ quét có thể xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu huyện
Quỳ Châu cần theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến thời
tiết để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến
thiên tai có thể ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn.
Cùng với đó,
rà soát, hoàn thiện phương án, kịch bản ứng phó với bão, ngập lụt, sạt lở đất,
lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại về tài
sản của Nhân dân; vận hành khoa học, an toàn hồ, đập thủy điện, thủy lợi. Chủ
động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa bàn trọng điểm
để sẵn sàng triển khai ứng phó bão, mưa lũ; cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Phan Quỳnh