Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2021-2025
Chiều nay (24/4), Đoàn Giám sát của HĐND
tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát chuyên đề quy hoạch mạng lưới
trường lớp giai đoạn 2021-2025.
Về phía Đoàn Giám sát có các đồng chí:
Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND
tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các thành viên Đoàn Giám sát.
Về phía UBND tỉnh có các đồng chí: Bùi
Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành – Tỉnh ủy
viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan; lãnh đạo một
số địa phương.
Quang cảnh buổi
làm việc
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.507 trường mầm non, Tiểu học,
THCS, THPT (trong đó có 84 trường ngoài công lập, tăng 6 trường so với năm học
2020-2021); có 19 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 01
trung tâm giáo dục thương xuyên – hướng nghiệp; 01 trung tâm giáo dục thường
xuyên và 412 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã. Có 6 trường đại học (Đại học Vinh,
Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Đại học Y khoa Vinh, Đại học Nghệ An, Đại học
Công nghiệp Vinh, Đại học Vạn Xuân); có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (có 21
đơn vị công lập 14 đơn vị ngoài công lập cơ sở có tham gia đào tạo nghề nghiệp),
gồm: 09 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp,
13 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Sắp xếp giảm 200 điểm trường công lập
mầm non và phổ thông
Giám đốc Sở
GD&ĐT Thái Văn Thành báo cáo thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp giai
đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh
Trong giai đoạn năm học 2020-2021 và 2024-2025, tỉnh đã
sáp nhập giảm 31 trường công lập, 200 điểm trường công lập mầm non và phổ
thông; giảm 01 trung tâm tỉnh; giảm 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sáp nhập Trường
Cao đẳng Nghệ An vào Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học
Nghệ An.
Với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết
quả lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh trong những năm qua đạt được nhiều kết
quả rất tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện có bước tiến bộ vượt bậc, đã khẳng
định được vị thế trong tốp đầu của cả nước; tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng
cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Hoàn
thành và vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX với dự kiến tỷ
lệ trường học đang đạt chuẩn quốc gia đến 2025 là trên 80% (Chỉ tiêu của Đại hội
là 78%). Nghệ An là tỉnh đi đầu, tiên phong xây dựng và triển
khai có kết quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số mô hình trường học,
hoạt động giáo dục, tạo đột phá đổi mới căn bản, toàn diện, phát triển phẩm chất,
năng lực người học. Chất lượng đội ngũ nhà giáo từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới
giáo dục.
Thời gian qua, Ngành GD&ĐT đã
đẩy mạnh chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới giáo dục. Chất lượng đào tạo
giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường
lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hợp
tác với hơn 320 lượt doanh nghiệp trong và ngoài nước trong công tác tuyển
sinh, đào tạo, thực tập thực hành...
Cùng với những kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng thẳng
thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Thực tế, công tác tham mưu rà
soát, đôn đốc, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục, việc ban hành văn bản cụ thể
hóa và triển khai các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã được tỉnh
ban hành trong giai đoạn, nhiệm kỳ 2020- 2025 chưa hiệu quả.
Còn nhiều điểm trường lẻ ở mầm non và tiểu học nên gặp
khó khăn trong quy hoạch mạng lưới cũng như trong việc huy động nguồn lực đầu
tư cơ sở vật chất và bổ sung đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học. Tình
trạng bạo lực học đường, đuối nước xảy ra…
Mặt khác, hiện nay hệ thống các trung tâm ngoại ngữ,
tin học, giáo dục kỹ năng sống và tư vấn du học tăng nhanh. Hoạt động tổ chức dạy
học, giáo dục tăng cường của các trung tâm trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ
thông ngày càng nhiều, đòi hỏi cần tăng cường các giải pháp quản lý đồng bộ, nhất
là về quản lý công tác thu chi, quản lý giáo viên người nước ngoài...
Quan tâm đến vấn đề
giáo dục nghề nghiệp, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi, đào tạo
trong hệ thống trường nghề chưa “gặp” nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay có một
thuận lợi là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chuyển về cho Sở GD&ĐT quản
lý, do đó tới đây cần phải quan tâm đến hệ thống cơ sở vật chất cũng như giáo
viên để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu thị trường
Trưởng Ban Văn hóa
– Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái đề nghị cần có các giải pháp giảm nhanh số lượng
điểm trường lẻ; tập trung đầu tư xây dựng các trường bán trú, nội trú ở vùng miền
núi, vùng khó khăn
Trưởng Ban Dân tộc
HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung vào báo cáo những khó khăn, thách thức
trong thực hiện một số vấn đề tồn tại trong nhiều năm
Trưởng Ban Kinh tế
- Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị trao đổi đến vấn đề tuyển dụng giáo viên
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn Giám sát đánh giá
cao những cách làm hay và nhiều kết quả nổi bật mà ngành GD&ĐT tỉnh
nhà đạt được, được minh chứng qua việc thực hiện hoàn thành và vượt các chỉ
tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt ra. Đồng tình với những hạn chế, tồn
tại và các nguyên nhân mà Báo cáo đã chỉ ra. Thành viên Đoàn Giám sát cũng đã
đưa ra một số kiến nghị, đề xuất đề nghị UBND tỉnh quan tâm thực hiện trong thời
gian tới, nhất là liên quan đến vấn đề quy hoạch các điểm trường lớp, sáp nhập
các điểm trường lẻ; vấn đề đào tạo tại các trường giáo dục nghề nghiệp; công
tác tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên ở một số bộ môn như Tiếng Anh, Tin
học, Âm nhạc, Mỹ thuật... Vấn đề bố trí các trụ sở làm việc, các trường học dôi dư cũng như nhiệm vụ quản lý nhà nước về
giáo dục
sau sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện chính quyền 02 cấp.
Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt UBND tỉnh, Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long xin tiếp thu toàn bộ ý kiến của Đoàn Giám sát.
UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo để giảm tối đa các điểm trường lẻ; đầu tư cho
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... theo đề xuất của Đoàn. Phía UBND tỉnh cũng
mong HĐND tỉnh đồng tình cho phép Ngành GD&ĐT tham mưu ban hành một số
chính sách dành cho giáo dục miền núi; cho chủ trương phân cấp một số lĩnh vực
cho Sở GD&ĐT quản lý nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại từ đó nâng cao
chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đạt mục tiêu đặt ra.
Tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch sắp xếp,
phát triển mạng lưới trường lớp phù hợp
Phó Chủ tịch Thường
trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình – Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường
trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình – Trưởng Đoàn Giám sát ghi nhận và đánh giá cao nội
dung báo cáo tại buổi làm việc. Qua giám sát, Đoàn nghi nhận và đánh giá
cao kết quả mà UBND tỉnh, ngành GD&ĐT, các địa phương đạt được trong quy hoạch
mạng lưới trường lớp nói riêng và lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung.
Điểm lại những kết quả nổi bật mà lĩnh vực GD&ĐT đạt
được trong thời gian qua, lưu ý một số hạn chế, tồn tại đã được chỉ rõ, Phó Chủ
tịch Thường trực HĐND tỉnh đã đưa ra định hướng một số nhiệm vụ cần thực hiện
trong thời gian tới.
Cụ thể, Đoàn Giám sát đề nghị UBND tỉnh và các địa
phương rà soát, đánh giá lại việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp trong thời gian qua để xây dựng quy hoạch, kế hoạch
sắp xếp, phát triển mạng lưới trường lớp cho phù hợp với tình hình mới, nhất là
gắn với quy hoạch ngành GD&ĐT và các chỉ đạo, chủ trương của Trung ương khi
thực hiện mô hình chính quyền 02 cấp, tình hình kinh tế - xã hội của từng địa
phương trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cần phải có nguồn lực, lộ trình để thực
hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp hiệu quả.
UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của
HĐND tỉnh về cơ chế chính sách đã đầu tư cho phát triển giáo dục,
đề xuất xây dựng chính sách cho giáo dục giai đoạn 2026-2030 đảm bảo sát thực, hiệu quả.
Tập trung các giải pháp để giảm
nhanh số lượng điểm trường
lẻ; đầu tư xây dựng các trường bán trú, nội trú ở vùng miền núi, vùng khó khăn.
Xem xét để bố trí các trụ sở làm việc, các trường học dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính theo phương án
phù hợp có thể dùng để bố trí làm
phòng học, khu vực nội trú cho học sinh và nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt
là ở các vùng sâu, vùng xa...
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Trưởng
Đoàn Giám sát đề nghị cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành với nhau,
giữa các ngành với UBND cấp cơ sở trong quá trình thực hiện quy hoạch, sắp xếp...
Phan
Quỳnh