image banner

image advertisement

Kết cấu hạ tầng của tỉnh Nghệ An

Nghệ An có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt Bắc Nam, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ hoạt động kinh tế, đầu tư và du lịch ở quy mô quốc gia và khu vực.  

1. Hệ thống đường bộ

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 30.166km, trong đó có 16 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 1.795 km; 39 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 24,23 km; đường huyện có tổng chiều dài 3.184,98 km; đường đô thị có tổng chiều dài 1.680,83 km, còn lại là đường xã và đường giao thông nông thôn. Trên địa bàn có 3 tuyến dọc hướng Bắc Nam, 5 tuyến ngang hướng Đông Tây nối với Lào; có tuyến đường xuyên Á từ nước Lào qua cửa khẩu Thanh Thủy đến cảng Cửa Lò và Đông Hồi.

Anh-tin-bai

Cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An

Cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 87,84 km, gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần trên tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu với tổng chiều dài 50km, có 43,5km đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An đã thông xe từ 18/10/2023. Tuyến cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến nút giao Quốc lộ 46B) được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho phép thông xe và đưa vào khai thác vào chiều ngày 28/4/2024. Với sự kiện này, tuyến cao tốc Bắc Nam từ Hà Nội đến thành phố Vinh đã được nối liền, rút ngắn thời gian đi từ TP Vinh ra thủ đô còn hơn 3 giờ so với 5 giờ chạy xe như trước đây.

2. Hệ thống đường sắt

Toàn tỉnh có 2 tuyến đường sắt; trong đó tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh dài 95,5 km; tuyến nhánh đường sắt Cầu Giát – Thái Hòa dài 30 km.

3. Hệ thống đường hàng không

Cảng hàng không Quốc tế Vinh hiện nay có một đường cất cánh dài 2.400m rộng 45m. Ga hành khách của sân bay Vinh có tổng diện tích 11.706mgồm 4 cửa ra máy bay đáp ứng 1.000 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/ năm; có từ 22-25 chuyến đi và đến /ngày.

Ngày 27/2/2024, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh có tổng mức đầu tư 233,6 tỷ đồng. Dự án sẽ tập trung vào các hạng mục: Cải tạo, mở rộng sân đỗ máy bay để nâng tổng số vị trí đỗ máy bay từ 6 lên thành 9 vị trí đỗ Code C; tiến độ xây dựng, hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng trong 12 tháng.

Theo quy hoạch hệ thống Cảng hàng không Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh có quy mô, cấp sân bay 4 E với tổng diện tích 557 ha, công suất thiết kế phục vụ 8 triệu lượt hành khách/năm, lớn thứ 4 trong số 14 cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam.

4. Hệ thống đường thủy nội địa

Tỉnh Nghệ An có 15 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.159,6 km. Trong đó tuyến đường thủy nội địa quốc gia gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 217,1 km; tuyến đường thủy nội địa địa phương gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 45,5 km; các tuyến sông, kênh đổ ra biển qua 6 cửa lạch (Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò và Cửa Hội).

5. Hệ thống Cảng biển

Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển vận tải biển; trong đó có Cảng Cửa Lò, Cảng cá Cửa Hội, Cảng chuyên dùng xi măng The Vissai tại Nghi Thiết - Nghi Lộc, Cảng xăng dầu DKC chuyên dùng phục vụ xuất nhập khẩu xăng dầu cho tàu lớn đến 49.000 DWT và Cảng Đông Hồi đang được triển khai xây dựng.

Cảng Cửa Lò là cảng tổng hợp container, đầu mối của nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ với 05 bến cho tàu 10.000 DWT; hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn rộng lớn, đa dạng. Với chiều dài bến cảng là 3.020m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT - 50.000 DWT, cùng nhiều thiết bị xếp dỡ tiên tiến, hệ thống kho bãi hiện đại Cảng Nghệ Tĩnh đang từng bước vươn lên hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận tải hàng hóa của khách hàng Nghệ An và cả khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ trong tương lai.

Cảng cá Cửa Hội là một trong những cảng cá lớn của tỉnh Nghệ An,không chỉ đón tàu thuyền trong tỉnh mà còn phục vụ hậu cần, thu mua hải sản cho các tàu cá tỉnh bạn.

- Tổng kho và bến cảng xăng dầu DKC Petro tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc với quy mô sức chứa 115.000m3 và hệ thống cầu cảng riêng biệt, có khả năng tiếp nhận tàu từ đến 49.000 tấn vào xuất nhập xăng xầu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đang chuẩn bị thủ tục đầu tư.

Cảng chuyên dùng xi măng The Vissai tại Nghi Thiết - Nghi Lộc: Từ khi đưa vào khai thác (tháng 10/2017), cầu Cảng Vissai - Nghi Thiết đã đón hàng chục lượt tàu quốc tế trọng tải lớn cập cảng để bốc xếp xi măng và clinker của Công ty CP Xi măng Sông Lam thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai vận chuyển đến các vùng miền trong nước và xuất khẩu.  Cầu cảng Vissai số 1 dài hơn 2.000m, có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 tấn vào bốc xếp hàng hóa. Với độ sâu tự nhiên 9m, cầu cảng Vissai có thể phục vụ cho tàu trên 100.000 tấn cập cảng.

Hệ thống cảng biển của Nghệ An được dự kiến kết nối với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Trong đó, tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn đi Cửa Lò giai đoạn I đã được quy hoạch xây dựng, kỳ vọng tạo ra nhiều đột phá phát triển.

Việc phát triển cảng biển ở Nghệ An sẽ được kết nối với các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là khu vực đông bắc Thái Lan, Lào, Camphuchia...; gắn với quy hoạch xây dựng ga Nam Cấm và đường sắt nối Nam Cấm - Cửa Lò; gắn kết phát huy tối đa hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội qua Thanh Thủy (Thanh Chương - Nghệ An) đến Viên Chăn (Lào)...