image banner

image advertisement image advertisement

Giới thiệu tổng quan về tỉnh Nghệ An

I. Giới thiệu chung.

Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học; có tài nguyên văn hóa phong phú và đặc sắc, quê hương của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ An còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh cách mạng, là quê hương của nhiều chí sỹ yêu nước, đặc biệt là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hoá kiệt xuất được cả thế giới công nhận.

Danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An. Từ đó, danh xưng Nghệ An trở thành tên gọi gần gũi, thân thương gắn liền vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người dân Nghệ An cho tới ngày nay.

Anh-tin-bai

 

II. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên

1. Vị trí địa lý

 Nghệ An có diện tích 16.489,97 km2, là địa phương nằm ở vĩ độ 180o33' đến 200o01' vĩ độ Bắc, kinh độ 103o52' đến 105o48' kinh độ Đông, ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam; phía Đông giáp biển, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 468 km đường biên giới trên bộ, bờ biển ở phía Đông dài 82 km. Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông – Tây nối liền Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam theo Quốc lộ 7 đến Cảng Cửa Lò.

Nghệ An có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: 01 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện; với 460 xã, phường, thị trấn. Trong đó, Thành phố Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ; 3 thị xã, gồm: Thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và thị xã Thái Hoà; 17 huyện, gồm: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Nghệ An cơ vị trí chiến lược trên tuyến giao thông Bắc Nam và Đông Tây; với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển thuận lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghệ An kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào với biển Đông và là cửa ngõ giao thương của khu vực và quốc tế. Nghệ An đang phát triển trở thành một địa phương năng động và vươn mình trỗi dậy đầy sức sống trong sự hội nhập và phát triển của đất nước, trở thành động lực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ. Trong 2 năm liên tiếp, 2022-2023, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước.

2. Dân cư

Theo Niên giám thống kê năm 2023, dân số trung bình của tỉnh Nghệ An năm 2022 là 3.419.989 người. Mật độ dân số 207 người/km². Trong đó, dân số thành thị là 530.452 người, chiếm 15,51%; dân số nông thôn là 2.889.537 người, chiếm 84,49%; dân số nam là 1.711.827 người, chiếm 50,05%; dân số nữ là 1.708.162 người, chiếm 49,95%. Trong tỉnh hiện có trên 500.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (gồm các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Ơ Đu... cùng sinh sống).

Năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Nghệ An là 1.623,1 nghìn người; trong đó lao động nam là 867,7 nghìn người, chiếm 53,46%; lao động nữ là 755,4 nghìn người, chiếm 46,54%; lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 252,3 nghìn người, chiếm 15,55%; lực lượng lao động ở nông thôn là 1.370,8 nghìn người, chiếm 84,45%.

3. Địa hình

Tỉnh Nghệ An nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, có địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy đồi núi và hệ thống sông, suối.

Về tổng thể, địa hình tỉnh Nghệ An nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích lãnh thổ. Địa hình có độ dốc lớn, đất có độ dốc lớn hơn 8° chiếm gần 80% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đặc biệt có trên 38% diện tích đất có độ dốc lớn hơn 25°. Nơi cao nhất là đỉnh Puxailaileng (2.711m) ở huyện Kỳ Sơn, thấp nhất là vùng đồng  bằng các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, có nơi chỉ cao 0,2m so với mặt nước biển (xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu).

4. Khí hậu

Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt là hè và đông. Từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, Nghệ An chịu ảnh hưởng của gió phơn tây nam khô và nóng. Vào mùa đông, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh và ẩm ướt.

Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23 - 24°C. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá cao. Nhiệt độ trung bình các tháng nóng nhất (tháng 6 đến tháng 7) là 33°C, nhiệt độ cao tuyệt đối 42,7°C; nhiệt độ trung bình các tháng lạnh nhất (tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau) là 19°C, nhiệt độ thấp tuyệt đối -0,5°C. Số giờ nắng trung bình/năm là 1.500 - 1.700 giờ. Lượng mưa bình quân hàng năm dao động từ 1.200 - 2.000 mm/năm.

Cổng TTĐT Nghệ An