Theo Quyết định số 3509/QĐ-UBND ngày
19/12, UBND tỉnh giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương
và ngân sách địa phương đợt 1 hơn 7.700 tỷ đồng.
Cụ thể,
nguồn ngân sách Trung ương bố trí hơn 1.098 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương
bố trí hơn 6.695 tỷ đồng.
UBND tỉnh
giao Giám đốc Sở KH&ĐT thông báo chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2025 cho
các ngành, các huyện, các chủ đầu tư để triển khai thực hiện; chủ trì theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 báo
cáo UBND tỉnh định kỳ hàng tháng, quý.
Giám đốc Sở
Tài chính cân đối đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhập tabmis cho
các dự án kịp thời để giải ngân vốn. Đinh kỳ hàng tháng, quý tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh (qua Sở KH&ĐT) tình hình nhập tabmis đối với từng dự án được giao
tại Quyết định này để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo.
Đồng thời
đôn đốc các chủ đầu tư quyết toán vốn đầu tư các công trình, dự án theo quy
định hiện hành.
Giám đốc Kho
bạc Nhà nước tỉnh và Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố, thị xã kiểm soát
chặt chẽ việc giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định hiện hành.
Định kỳ hàng tháng, quý báo cáo tình hình giải ngân theo từng nguồn vốn, từng
dự án được giao tại Quyết định này; tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng gửi Sở
KH&ĐT, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện phân bổ nguồn thu sử dụng đất được
phân cấp theo đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quy định. Trong đó, ưu tiên bố trí
thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định, đặc biệt là nợ đọng xây dựng
cơ bản các dự án trong kế hoạch đầu tư công tập trung theo báo cáo của Kiểm
toán Nhà nước khu vực II, ưu tiên bố trí vốn đối ứng các Chương trình mục tiêu
quốc gia, các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo để đảm bảo cơ cấu Trung
ương giao, bố trí vốn đối ứng các dự án sử dụng ngân sách tỉnh, ngân sách Trung
ương theo cơ cấu nguồn vốn đã được phê duyệt để đảm bảo sớm hoàn thành, đưa vào
sử dụng, phát huy hiệu quả.
Giám đốc các
Sở, Thủ tướng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị
xã; các Chủ đầu tư và các Ban quản lý dự án chủ động xây dựng kế hoạch triển
khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân
sách Nhà nước năm 2025. Đồng thời, phân công lãnh đạo phụ trách, chịu trách
nhiệm theo dõi, lên kế hoạch triển khai chi tiết từng dự án, bám sát tiến độ
thực hiện của từng dự án để kịp thời chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc nảy
sinh. Có giải pháp quyết liệt nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị
đầu tư, phê duyệt dự án ODA.
UBND tỉnh
yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám
sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách
nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh
giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ
thực hiện giải ngân của từng dự án. Kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy,
sợ trách nhiệm, để trì trệ, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp
ứng yêu cầu công việc được giao.
Nghiêm cấm
hành vi yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa
được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc thực hiện khối
lượng vượt kế hoạch giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tập trung
nguồn lực xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày
01/01/2025 (nếu có). Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày
31/12/2024, giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc các Sở,
ban, ngành, các chủ đầu tư tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân liên quan và báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp
khác (ngoài kế hoạch đầu tư công) để xử lý dứt điểm phần nợ đọng xây dựng cơ
bản đã phát sinh theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công...
PQ (tổng hợp)