Tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa, lũ
Tại Văn bản số 4017/UBND-NN ngày
12/5/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao Sở Nông nghiệp và Môi
trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác đảm bảo
an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2025 theo chỉ đạo của
Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Chỉ thị số 02/CT-BNNMT ngày 08/5/2025.
Tại Chỉ thị số 02/CT-BNNMT, Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc trọng tâm. Cụ thể,
để chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai, các địa phương cần tổ chức tổng kết,
đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn;
kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành,
chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng trên địa bàn theo phương châm
"rõ người, rõ việc".
Các địa phương cần tổ chức diễn tập
phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa; kiểm tra việc
chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin liên
lạc để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại. Rà soát, đánh giá quy trình
vận hành của các cống dưới đê, nhất là đối với cống dưới đê của các trạm bơm
tiêu để điều chỉnh, bổ sung phù hợp, đảm bảo an toàn chống lũ. Đối với những
cống chưa có quy trình vận hành, Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương chỉ
đạo xây dựng, phê duyệt trước mùa mưa, lũ để tổ chức thực hiện ngay trong năm
2025.
Rà soát, đánh giá nhiệm vụ, quy trình
vận hành của các hồ chứa; báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung phù hợp
nhằm vận hành bảo đảm an toàn công trình, nhất là các hồ chứa có tác động lớn
đến dòng chảy, dân sinh vùng hạ du. Tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu,
cống dưới đê, cửa khẩu qua đê, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa
nước, khắc phục kịp thời các tồn tại để đảm bảo vận hành an toàn.
Tổ chức phát quang mái, chân đê, đập
và trong phạm vi bảo vệ công trình để phục vụ công tác tuần tra, phát hiện và
kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ; giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng
ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông… Rà soát, xác định các khu vực nguy
hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hạ lưu các
tràn xả lũ có nguy cơ xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời người, tài sản
ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, địa
phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm
an toàn.
Đối với những sự cố công trình đã xảy
ra trong các mùa mưa, lũ trước cần đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực để
hoàn thành việc xử lý; đồng thời, lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa
mưa, lũ năm 2025.
Rà soát, lập danh mục các công trình
hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa nước phải lập quy trình bảo
trì; chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn
hợp pháp khác để ưu tiên xử lý các trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu. Chỉ
đạo Chủ đầu tư, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện
và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công
các công trình đê điều, thủy lợi (nhất là công trình sửa chữa, khắc phục các sự
cố, hư hỏng do mưa lũ gây ra; công trình có nhiệm vụ chặn dòng, thi công vượt
lũ, phòng chống lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở năm 2025 và các dự
án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025).
Đối với hệ thống đê điều, cần theo
dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư,
phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung
yếu đê điều theo phương châm "4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra. Tổ
chức lực lượng và thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều
trong mùa lũ theo quy định để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự
cố đê điều xảy ra.
Đối với cống do các Công ty, Trung
tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi hoặc Chi cục Thủy lợi quản lý, đơn vị
quản lý phải có quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ với
địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý sự cố.
Đối với các hệ thống công trình thủy
lợi cần bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình
theo quy định; việc vận hành các hồ chứa phải chấp hành nghiêm quy trình vận
hành đã được phê duyệt…
Thực hiện nghiêm chế độ quan trắc khí
tượng thủy văn chuyên dùng và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng
gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn.
Về công tác quản lý, cần chỉ đạo tăng
cường kiểm tra hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm kịp thời phát hiện,
kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp
luật về đê điều, thủy lợi. Chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái
đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ, lấn
chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.
Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo kịp thời khi xảy ra
sự cố đê điều, công trình thủy lợi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sáng nay
(14/5), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ dẫn đầu đoàn kiểm tra hiện trường
một số công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã kiểm tra tại
Dự án Xây dựng trạm bơm và hệ thống kênh xã Sơn Thành (Yên Thành) và xã Nghi
Văn (Nghi Lộc); Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tưới, tiêu Lê Xuân Đào
(Hưng Nguyên); cụm công trình Bara Bến Thủy, thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi
Nam quản lý.
PQ (tổng hợp)