Triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh
Ngày 22/5/2025, UBND tỉnh ban hành Kế
hoạch số 377/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 03/01/2025 của
Thủ tướng Chính phủ thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên
hợp quốc trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, căn
cứ nội dung Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 03/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ
thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, UBND tỉnh
yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố,
thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm, để
nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em.
UBND tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ
trọng tâm yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung triển khai. Đó là
tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách,
pháp luật bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em, trọng tâm là các biện pháp thực hiện pháp luật, chính
sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, tư pháp thân thiện với trẻ
em và người chưa thành niên; các chính
sách hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em; các chính sách trợ giúp nhóm
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em trong
các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân
tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và
trách nhiệm trong thực hiện quyền trẻ em. Cần đa dạng sản phẩm
và các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động xã hội
trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và
truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng.
Tổ chức các hoạt động truyền thông
nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, trong đó,
chú trọng: Chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em, tạo lập môi trường
sống an toàn, thân thiện cho trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo
vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính; bảo vệ
trẻ em trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước trẻ em; thúc đẩy quyền
tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em.
Các cơ quan, đơn vị nâng cao năng lực quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp
vụ cho cán bộ, người làm công tác trẻ em.
Phát triển hệ thống dịch vụ bảo đảm
thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em: Xây dựng và củng cố hệ
thống cơ sở, mô hình cung cấp dịch
vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em;
hình thành các phong trào, mạng lưới tình nguyện và khuyến khích hoạt động
của Quỹ bảo trợ trẻ em để hỗ trợ việc thực hiện quyền trẻ
em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Các Sở, ngành, địa phương, theo thẩm
quyền tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức, đơn vị liên quan để
đảm bảo trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo lực; đồng thời, đề
xuất các biện pháp khắc phục kịp thời nếu phát hiện vi phạm. Đồng thời, có trách nhiệm bố
trí ngân sách để thực hiện việc chăm sóc giáo dục và bảo vệ
trẻ em và thúc đẩy quyền tham
gia của trẻ em. Ưu tiên phân bổ nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo
và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Vận động sự tham gia đóng góp nguồn lực của
các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong và ngoài nước trong việc thực
hiện quyền trẻ em, các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ
em.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; hợp tác thúc đẩy
các sáng kiến hỗ trợ trẻ em, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và các mô hình tốt
từ các quốc gia phát triển góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền trẻ
em và giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm
vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương và đơn vị liên quan...
PQ (tổng hợp)