Triển khai thực hiện Kết luận phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh khóa XVIII
Hôm nay (25/7/2025), UBND tỉnh ban
hành Công văn số 7330/UBND-TH về việc thực hiện Kết luận phiên chất vấn tại Kỳ
họp thứ 31, HĐND tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó,
UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các xã, phường căn
cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; có trách nhiệm thực hiện hiệu quả các
giải pháp, cam kết đã nêu và nhiệm vụ tại Thông báo số 189/TB-HĐND.TT ngày
18/7/2025; đối với những nội dung vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh quyết định.
UBND tỉnh
giao Sở Tài chính, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan
tổng hợp kết quả thực hiện đối với các nội dung của Thông báo.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh, qua đó, thu hút nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh
Tại Thông
báo số 189/TB-HĐND.TT, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quán triệt và
nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, toàn xã
hội về vai trò, tầm quan trọng và tránh nhận thức không đúng về Chỉ số PCI;
củng cố niềm tin và thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp trong tỉnh theo
tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển
kinh tế tư nhân. Chỉ số PCI cùng với các chỉ số khác như: Chỉ số tăng trưởng
xanh (Green Growth Index), Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hài
lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước
(SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)..., là kênh cung
cấp thông tin giúp chính quyền địa phương cải thiện quản trị, điều hành phát
triển kinh tế - xã hội, giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm hiểu về môi
trường đầu tư tại Nghệ An. Cần cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI đồng nghĩa với
cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó, thu hút nguồn lực để thực hiện
các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chỉ đạo các Sở,
ban, ngành bám sát các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã
hội để cụ thể hóa thành các giải pháp và tổ chức thực hiện, nhất là các nhóm
nhiệm vụ, giải pháp trực tiếp tác động đến tăng điểm và tăng thứ hạng Chỉ số
PCI trong bối cảnh chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động (như: các
nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường thu hút
đầu tư; tăng cường quản lý tài nguyên nhất là tài nguyên đất đai, khoáng sản;
nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cải cách hành chính...). Quan tâm đến các chỉ
số thành phần có trọng số điểm lớn nhưng thứ hạng thấp (như: Tính minh bạch;
Cạnh tranh bình đẳng; Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Chi phí không chính
thức; Đào tạo lao động...). Mặt khác, cần định vị thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh
trong bình diện chung cả nước và khu vực Bắc Trung Bộ hiện nay, để xác định
điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra các giải pháp cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh trong
thời gian tới. Đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch hành động cụ thể, có mục tiêu định
lượng rõ ràng cho từng chỉ số thành phần này.
Ngoài các
giải pháp chung, HĐND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở,
ban, ngành, các đơn vị tập trung hướng dẫn cấp xã nhanh chóng ổn định, tổ chức
bộ máy sau sắp xếp gắn với cơ cấu lại và nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Bảo
đảm tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh đến cấp xã hoạt động thông suốt, không để ngắt
quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn,
lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, doanh
nghiệp và người dân...
Tăng cường
liên kết vùng và tận dụng vị trí chiến lược của tỉnh để khai thác tối đa lợi
thế, thu hút các dự án đầu tư lớn, có công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh
vực công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics và du lịch. Đồng thời, chủ động
liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Thanh Hóa để tạo ra một
chuỗi giá trị và thị trường chung, nâng cao sức hấp dẫn đầu tư tổng thể của khu
vực.
Phát triển
hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và khu công nghiệp, tăng cường
đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến các vùng sâu, vùng xa, cũng như hạ tầng
các khu công nghiệp hiện có và đang quy hoạch. Ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn
thiện các tuyến đường trọng yếu, nâng cấp các cảng biển, và xây dựng hạ tầng kỹ
thuật điện, nước, viễn thông hiện đại trong các khu, cụm công nghiệp.
Nghiên cứu
sớm ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác
đào tạo nghề tại chỗ, đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chương trình
đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, liên kết chặt chẽ với nhu cầu của
thị trường lao động.
Quản lý hiệu
quả tài nguyên đất đai và quy hoạch, trên cơ sở tiếp tục rà soát quy hoạch sử
dụng đất, công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch và giá đất, đảm bảo việc
tiếp cận đất đai của doanh nghiệp được thuận lợi, giảm thiểu chi phí không
chính thức và thời gian chờ đợi. Đồng thời, chú trọng giải quyết dứt điểm các
tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai để tạo môi trường ổn định cho nhà
đầu tư.
Tiếp tục
quan tâm đến việc đánh giá kết quả PCI; cập nhật lại tiêu chí và phương pháp
đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành, địa phương (DDCI), bảo
đảm phù hợp với cơ cấu tổ chức mới sau khi hợp nhất các Sở và chuyển sang mô
hình chính quyền địa phương hai cấp. Công khai, minh bạch kết quả DDCI của các Sở,
ban, ngành, địa phương nhằm đánh giá khách quan, toàn diện chất lượng điều
hành, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của người
dân và doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế đánh giá trách nhiệm người đứng
đầu dựa trên kết quả DDCI của đơn vị mình.
Khắc phục dứt điểm tình trạng chồng
chéo, thiếu rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ dẫn đến thiếu sự chủ động, né tránh
trách nhiệm
Đối với Công
tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng
nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh yêu cầu
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả
các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh với tinh thần “không
có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Sớm kiện
toàn Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của
tỉnh; rà soát chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành liên quan, của chính quyền
cấp xã. Khắc phục dứt điểm tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng về chức năng,
nhiệm vụ dẫn đến thiếu sự chủ động, né tránh trách nhiệm. Gắn trách nhiệm của
người đứng đầu cơ quan, đơn vị với lĩnh vực, địa bàn phụ trách... nhất là giai
đoạn đi vào hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp hiện nay; nâng cao
hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan.
Chỉ đạo sâu
sát hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và
bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chân chính; nâng cao kỹ
năng nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng (như áp dụng
công nghệ mã QR, định danh hàng hoá để minh bạch chuỗi cung ứng, xác thực nguồn
gốc sản phẩm...). Tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng các kênh tiếp nhận phản ánh
để người dân kịp thời tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất,
kinh doanh hàng giả, thực phẩm bẩn.
Ưu tiên bố
trí nhân lực, phương tiện, kinh phí đảm bảo cho các cơ quan chức năng trực tiếp
thực thi nhiệm vụ, nhất là ứng dụng công nghệ về chuyển đổi số, phát triển hệ
thống dữ liệu dùng chung giữa các ngành liên quan trong truy xuất nguồn gốc,
kiểm nghiệm chất lượng hàng hoá; các thiết bị xét nghiệm nhanh an toàn thực
phẩm, kho bãi bảo quản tang vật chuyên dụng…
Rà soát lại
hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, sớm đề xuất cấp có thẩm quyền
điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với những vấn
đề mới trong quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Chỉ đạo Sở
Công Thương chủ trì, siết chặt công tác cấp phép các mặt hàng kinh doanh có
điều kiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện,
xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ
nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm; kiểm
tra, xử lý nghiêm các hoạt động quảng cáo hàng hoá có nội dung sai sự thật. Nâng
cao năng lực quản lý việc kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện
tử; mở rộng xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết sản xuất với phân phối, hình
thành chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tới người tiêu
dùng.
Chỉ đạo Sở Y
tế chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát
tình trạng thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm bẩn ảnh
hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng người dân.
Chỉ đạo Sở
Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng
cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, từ
sản xuất đến tiêu thụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên
ngành, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Chỉ đạo các
lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Thuế và chính
quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa xuất nhập
khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay. Kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh
doanh tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, kể cả các
hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa bàn dân cư, các cổng trường học. Đấu tranh mạnh,
xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là việc sản
xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả, mỹ phẩm
giả, thực phẩm bẩn...
Tiếp tục
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ,
công chức làm nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là
năng lực phân tích, nhận diện các phương thức thủ đoạn mới, năng lực ứng dụng
công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý đối tượng. Xử lý nghiêm các trường
hợp bao che, đồng lõa với các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém
chất lượng, thực phẩm bẩn.
PT (Tổng hợp)