Triển khai các nội dung liên quan của Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tại
Công văn số 975/UBND-NC ngày 13/02/2025, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ
chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được
giao căn cứ nội dung tại Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 05/02/2025 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tổ chức thực hiện, tham mưu triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm
của UBND tỉnh theo đúng quy định.
Tại Quyết định số 245/QĐ-TTg, Thủ
tướng Chính phủ đề ra mục tiêu cụ thể về phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị
trong ngành Y tế đến năm 2030 là: Phát triển mạng lưới các cơ sở xạ trị, y học
hạt nhân, điện quang phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Phát triển
mạng lưới các cơ sở xạ trị, y học hạt nhân, điện quang theo hướng cân đối, đồng
bộ, hiệu quả, giảm sự cách biệt, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân tại các
vùng, địa phương trong cả nước: Phấn đấu tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có khoa ung bướu có thiết bị xạ trị (hoặc khoa xạ trị) là 50 - 60% và có
khoa y học hạt nhân là 40 - 50%. Đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực đồng bộ với đầu
tư trang thiết bị, đạt tỷ lệ tối thiểu 4 bác sĩ chuyên khoa ung bướu được đào tạo
về xạ trị (hoặc bác sĩ xạ trị)/triệu dân và 3 bác sĩ y học hạt nhân/triệu dân;
0,3 dược sĩ được đào tạo về hóa dược phóng xạ/triệu dân, 6 kỹ thuật viên xạ trị
và 4 kỹ thuật viên y học hạt nhân/triệu dân; 30 - 50 bác sĩ điện quang/triệu
dân, bảo đảm tỷ lệ phù hợp giữa kỹ thuật viên và bác sĩ chuyên khoa điện quang;
chú trọng đào tạo nhân lực vật lý y khoa, đạt 6 - 8 nhà vật lý y khoa/triệu
dân.
Về phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng
vị trong ngành tài nguyên và môi trường, đến năm 2030: Phát triển ứng dụng kỹ
thuật hạt nhân và bức xạ trong quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; ứng dụng kỹ
thuật neutron tia vũ trụ quan trắc độ ẩm đất tại một số trạm quan trắc khí tượng
thủy văn. Ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong xác định tuổi, nguồn gốc hình thành,
trữ lượng, nguồn bổ cập, khả năng bổ cập và sự vận động của nước dưới đất; thiết
lập các trạm quan trắc đồng vị bên trong nguồn nước tại các sông lớn ở Việt
Nam. Tiếp tục quan trắc thường xuyên môi trường nền phóng xạ tự nhiên và nhân tạo;
ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong quan trắc môi trường các mỏ khoáng sản có nguy
cơ phát thải phóng xạ… Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong việc phân tích và đo lường
chính xác lượng phát thải khí nhà kính; ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền để nghiên
cứu biến đổi khí hậu.
Về phát triển ứng dụng bức xạ và đồng
vị trong ngành nông nghiệp, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, hoàn thiện và nâng cấp
các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ tại các vùng nông
nghiệp trọng điểm; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về ứng dụng bức xạ và đồng
vị phóng xạ trong tạo, chọn giống cây trồng; kiểm soát côn trùng, sinh vật gây
hại; chiếu xạ thực phẩm nhằm tăng cường ứng dụng năng lượng nguyên tử trong
nông nghiệp. Chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng đột biến có giá
trị nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và phát
triển nông nghiệp bền vững; đến năm 2030, duy trì vị trí số 1 Đông Nam Á về ứng
dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong chọn tạo giống cây trồng. Tăng cường xử
lý chiếu xạ kiểm dịch nông sản, nâng cao chất lượng thủy hải sản, kéo dài thời
gian bảo quản thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tăng quy mô
chiếu xạ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu chiếu xạ lương thực, thực phẩm trong nước
và phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và đồng vị bền
trong kiểm soát xói mòn và rửa trôi, quản lý đất trồng, nước tưới tiêu và chế độ
canh tác; truy xuất nguồn gốc động thực vật; kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật
nuôi; sản xuất các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường phục vụ sản xuất
nông nghiệp xanh, sạch và bền vững; tỷ lệ đóng góp của các ứng dụng năng lượng
nguyên tử trong ngành nông nghiệp tăng 10% hàng năm.
Về phát triển ứng dụng bức xạ và đồng
vị trong ngành công nghiệp, mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Khai thác dầu khí,
hóa chất và năng lượng: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân (kiểm tra không phá hủy,
đánh dấu, soi chiếu, chụp cắt lớp,...) đánh giá trữ lượng dầu có thể khai thác,
kiểm tra điểm phun trong giếng gaslift, đánh giá rò rỉ đập thủy điện và chẩn
đoán tình trạng, dự báo tuổi thọ các chi tiết, cấu kiện, thiết bị trong các nhà
máy điện, hóa dầu, hóa chất phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa. Mở rộng quy
mô và tiếp tục đẩy mạnh thương mại hóa các chế phẩm, vật liệu được tạo ra bằng
công nghệ bức xạ phục vụ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, xây dựng và
các lĩnh vực ứng dụng khác thay thế các vật liệu, công nghệ có hại cho môi trường.
Ứng dụng rộng rãi các kỹ thuật hạt nhân trong điều khiển tự động dây chuyền sản
xuất nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm trong một số ngành công
nghiệp thực phẩm, sản xuất và chế tạo. Nâng cao năng lực cho các tổ chức trong
nước có thể thực hiện toàn bộ việc bảo dưỡng, sửa chữa, nạp nguồn các thiết bị
điều khiển hạt nhân tự động và phân tích hạt nhân ứng dụng trong một số ngành
công nghiệp ở Việt Nam.
Về phát triển tiềm lực khoa học và
công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân,
mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Nâng cấp và xây dựng mới một số phòng thí nghiệm
hiện đại về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành,
lĩnh vực; sản xuất đồng vị phóng xạ, công nghệ bức xạ, thiết kế, chế tạo và nội
địa hóa các thiết bị bức xạ và thiết bị ghi đo bức xạ. Đổi mới các chương trình
đào tạo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bổ sung các chuyên ngành mới, nâng cấp hạ
tầng kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo hiện có. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước
về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh hạt
nhân.
Thủ trưởng Chính phủ giao UBND các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ KH&CN và các Bộ,
ngành triển khai các nội dung liên quan của Quy hoạch; bố trí quỹ đất, tạo điều
kiện thuận lợi để triển khai các chương trình, dự án, đề án thuộc Quy hoạch; bố
trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy
định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch thuộc nhiệm vụ chi của địa
phương.
Kim Oanh (T/h)