image banner

image advertisement image advertisement

Tổ chức thực hiện Kết luận số 61-KL/TW về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả

Ngày 17/5, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 368/KH-UBND thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 8/3/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023.

Giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập của người dân làm nghề rừng

Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 61-KL/TW; các Nghị quyết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của rừng, làm thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng, tạo động lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng đa dụng, sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn góp phần bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập của người dân làm nghề rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp; Phát triển kinh tế lâm nghiệp; Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh và một số đề án trọng điểm; Sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về lâm nghiệp.

Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép phức tạp, nghiêm trọng

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, nhất là lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ rừng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo theo đúng quy định. Tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng. Bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ lĩnh vực lâm nghiệp và các lực lượng phối hợp bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ trong đào tạo, nâng cao kỹ năng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng.

Hàng năm, căn cứ vào nguồn vốn sự nghiệp do trung ương hỗ trợ, huy động và lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình, đề án khác để triển khai thực hiện, đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiếp tục bố trí kinh phí hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép phức tạp, nghiêm trọng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới, người thân vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bố trí nguồn lực hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý dứt điểm tồn đọng về tranh chấp, chồng lấn, lấn chiếm đất đai tại các Công ty nông, lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ. Xây dựng kế hoạch sử dụng phần diện tích đất do các nông lâm trường trả về địa phương. Tập trung giải quyết ổn định ngay từ cơ sở các vụ việc tranh chấp, lấn chiếm, khiếu kiện mới phát sinh; không để phức tạp, kéo dài, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, thành tựu khoa học, công nghệ mới trong lâm nghiệp. Chủ động triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về lâm nghiệp và phát triển thị trường. Đẩy mạnh hợp tác song phương bảo vệ rừng khu vực biên giới giữa tỉnh Nghệ An với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hỏa Phăn và Bô Ly Khăm Xay của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tăng cường thu hút nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh...

UBND tỉnh yêu cầu tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã và các tầng lớp Nhân dân về các nội dung của Chỉ thị số 13-CT/TW, Kết luận số 61- KL/TW và Nghị quyết số 29/NQ-CP nhằm phát huy và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và quản lý thống nhất của chính quyền các cấp; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền và người đứng đầu; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Kim Oanh (tổng hợp)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image