image banner

image advertisement image advertisement

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư năm 2025

Tại Công văn số 11779/UBND-CN ngày 31/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tiếp thu các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 10731/BKHĐT-ĐTNN ngày 26/12/2024 về việc cho ý kiến đối với Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện và tham mưu báo cáo UBND tỉnh đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Theo đó, tại Công văn số 10731/BKHĐT-ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tìm hiểu các xu thế chuyển dịch kinh tế toàn cầu, phân tích đánh giá lợi thế so sánh của kinh tế Việt Nam. Mở rộng hợp tác kinh tế với các nền kinh tế lớn và mới nổi, nhất là tận dụng tối đa cơ hội của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 đối tác quan trọng (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Pháp), vừa thúc đẩy, làm sâu sắc và toàn diện hơn trong hợp tác với các thị trường truyền thống, vừa khai thác các thị trường tiềm năng và dư địa lớn khác như khu vực Trung Đông. Cần chủ động xây dựng các chương trình hợp tác kinh tế, phát huy hiệu quả của các FTA hiện tại, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh với các đối tác.

Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các nguồn lực phát triển, bao gồm cả đầu tư FDI và nguồn vốn ODA, nhất là nguồn lực để thúc đẩy phát triển các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ AI, chíp bán dẫn, năng lượng tái tạo…, tăng cường tiếp cận, trao đổi, chia sẻ, tiến tới hợp tác, kêu gọi đầu tư của các Tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu, đa quốc gia trong các lĩnh vực mới nổi, góp phần thực hiện hóa mục tiêu “tiến kịp, đi cùng và vượt lên”, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

Thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế, tiếp cận và tận dụng hiệu quả các nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, kinh doanh quốc tế ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia… đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các địa bàn, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế (như Lào, Campuchia, vùng Bắc Úc…), nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản đầu tư và kinh doanh tại nước ngoài.

Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và y tế… Coi đây là các lĩnh vực trọng điểm, trụ cột trong hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng, mục tiêu, nội dung, hoạt động, nhiệm vụ tại Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được phê duyệt. Tiếp tục thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ, trong đó có lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, là lĩnh vực có khả năng bứt phá cho Việt Nam. Tập trung hoàn thiện 3 trụ cột cho đổi mới sáng tạo: Cơ chế, chính sách; hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

PT (Tổng hợp)

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image