Tăng cường công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa

Tại Văn bản số 3673/UBND-VX ngày 29/4/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long giao Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở GD&ĐT, Sở VHTT&DL; UBND các huyện, thành, thị xã cùng các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa của Bộ Y tế tại Công văn số 2513/BYT-PB ngày 26/4/2025.  

Theo nhận định của Bộ Y tế, trong thời gian tới là mùa hè với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều đặc biệt trong giai đoạn cao điểm du lịch 2025 sắp tới, cộng với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền... .

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025, tại Công văn số 2513/BYT-PB, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường rà soát, quản lý, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng.

Bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng năm 2025, bao gồm ngân sách để triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh Sởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức ngay chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 3 trên địa bàn ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Căn cứ điều kiện thực tế và đặc thù tại địa phương để áp dụng các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng tại nhà, tiêm chủng tại trường học, tiêm chủng lưu động. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và cập nhật đầy đủ thông tin tiêm chủng của trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Cùng đó xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trong mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025 và cao điểm du lịch hè 2025.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao (dại, cúm A(H5N1), Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Sởi, Ho gà, Bạch hầu…). Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người bệnh điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...).

Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vaccine phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe.

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm. Thường xuyên rà soát, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch, tập trung vào khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp; đồng thời chủ động chỉ đạo, hỗ trợ tuyến dưới trong phòng, chống dịch.

Bảo đảm hoạt động thông suốt, không để gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng sau khi sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế ở các cấp. Trước và trong khi sắp xếp tổ chức bộ máy, tài liệu và cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm, công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng phải được tiếp tục bảo quản, lưu trữ theo đúng quy định, không được làm hỏng, thất lạc trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh Dại, bệnh Than..., kịp thời chia sẻ thông tin với ngành y tế để triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm sang người; thực hiện tốt việc quản lý đàn chó, mèo và tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi.

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine phòng bệnh; thực hiện tốt công tác y tế trường học, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời; phối hợp triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vaccine tại các cơ sở giáo dục.

Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, tiêm chủng vaccine và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe...

PQ (tổng hợp)

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập