image banner

image advertisement

Phấn đấu hoàn thành Đề án Hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ về nhà ở trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/08/2025

Ngày 13/02/2025, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 312/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ về nhà ở trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu hoàn thành Đề án trước ngày 31/08/2025.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ. Điều kiện hỗ trợ như sau: Nhà ở mà hộ gia đình hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở) với các mức độ như sau: Nhà ở phải phá dỡ để xây mới nhà ở; nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở được quy định tại Điều 3 Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025, cụ thể với mức sau: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở; hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau đây: Hộ gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng; hộ gia đình mà người có công cao tuổi; hộ gia đình người có công là dân tộc thiểu số; hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn; hộ gia đình người có công thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Số lượng hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ nhà ở được Sở LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng tổng hợp trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND cấp huyện gồm 3.949 hộ được hỗ trợ gồm: 2.048 hộ xây mới, 1.901 hộ sửa chữa.

UBND tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở trên địa bàn, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện chính sách chăm sóc người có công. Thực hiện xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án. Vận động các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng, cải tạo nhà ở cho người có công với cách mạng.

Đồng thời, căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, UBND cấp tỉnh phân bổ cho UBND cấp huyện. Căn cứ số vốn được UBND cấp tỉnh phân bổ, UBND cấp huyện thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ cho UBND cấp xã. Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.

Việc xem xét hỗ trợ người có công về nhà ở phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tổ chức xây dựng, cải tạo nhà ở đảm bảo tiết kiệm, bền vững, phù hợp với điều kiện từng gia đình và phong tục tập quán của từng địa phương. Việc tổ chức triển khai (đối tượng, điều kiện hỗ trợ, phương thức thực hiện, việc cấp vốn, trình tự lập và phê duyệt Đề án) phải căn cứ theo các quy định của pháp luật để thực hiện.

Sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ nhà ở theo quy định, các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, không để xảy ra tiêu cực, gây thắc mắc, khiếu kiện trong nhân dân. Hàng tháng các địa phương phải tổ chức thống kê, nắm chắc tình hình nhà ở của người có công với cách mạng, phân loại thực trạng nhà ở, hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình để thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án và giải quyết các vấn đề phát sinh.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở: LĐTB&XH, Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan tổ chức thực hiện Đề án. Hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện triển khai thực hiện việc hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Chủ trì tổ chức nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu.

UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về kết quả tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt danh sách số hộ thuộc diện được hỗ trợ đảm bảo đúng quy định. Hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chính sách, đảm bảo nhà ở sau khi được hỗ trợ đạt chất lượng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được các đối tượng được hỗ trợ, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực. Chủ động giải quyết các kiến nghị, phản ánh có liên quan đến việc thực hiện Đề án trên địa bàn.

UBND cấp xã chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, kiểm tra hiện trạng, đối chiếu, lập danh sách các hộ được hỗ trợ báo cáo UBND cấp huyện đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện hỗ trợ, trình tự, phương thức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Kim Oanh (T/h)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image