Nghệ An phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh
Ngày 18/3, UBND
tỉnh ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND triển khai Chiến lược quốc gia phát triển
ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa
bàn tỉnh.
Phấn đấu duy
trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở kinh doanh thuốc đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt
Kế hoạch hướng đến mục tiêu phát triển ngành Dược Nghệ
An bền vững, từng bước tiến tới hiện đại. Đảm bảo cung ứng chủ động, kịp thời
thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý cho nhu cầu chăm sóc
sức khoẻ nhân dân theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tối
ưu hóa việc sử dụng thuốc. Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất
trong tỉnh.
Đến năm 2030, phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ
động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh... Duy trì bền vững tỷ lệ 100%
cơ sở kinh doanh thuốc đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt; Trung tâm Kiểm nghiệm
thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn thực hành phòng thí nghiệm tốt (GLP). Phấn
đấu 100% thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường được giám sát và quản
lý đầy đủ về hiệu quả và an toàn theo quy định của Bộ Y tế. 100% các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt
động dược lâm sàng. Phấn đấu tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01
người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho
bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày. 100% cơ sở sản xuất, bán
buôn, xuất nhập khẩu và bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông;
phấn đấu đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình
trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đạt tỷ lệ 4,0
dược sĩ/1 vạn dân, trong đó phấn đấu số dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành
dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.
Cùng với đó, mở rộng quy mô nhà máy sản xuất thuốc tân
dược của Công ty cổ phần Dược, Vật tư y tế Nghệ An. Xây mới 01 cơ sở sản xuất
thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương tại thành phố Vinh, 02 cơ
sở sản xuất thuốc đông dược đạt GMP-WHO tại huyện Hưng Nguyên và huyện Nghĩa Đàn;
01 nhà máy sản xuất vật tư y tế tại Hưng Nguyên. Xây dựng các nhà máy sản xuất
chế biến dược liệu đặt tại các huyện Nghi Lộc, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con
Cuông.
Đến năm 2045, hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc,
công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược đạt trình độ tương
đương các nước trong khu vực.
Chú trọng
phát triển hệ thống cung ứng thuốc cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở
miền núi, vùng sâu, vùng xa
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra 09
nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm: Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật, cơ chế, chính sách; Quy hoạch; Đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh,
tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; Nâng cao năng lực
quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Đảm bảo sử dụng
thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; Khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; Hợp
tác quốc tế; Công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược;
Thông tin, truyền thông.
Trong đó, cần quan tâm bố trí, dành quỹ đất cho phát
triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc phù hợp với quy hoạch tỉnh Nghệ An
thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác đã được cấp có
thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm
thành Trung tâm kiểm nghiệm khu vực Bắc Trung Bộ. Rà soát, quy hoạch hệ thống
cung ứng thuốc đảm bảo chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả; chú trọng phát
triển hệ thống cung ứng thuốc cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền
núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá
nhân thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất thuốc, dược liệu và các sản phẩm từ
nguồn dược liệu trong tỉnh. Ưu tiên phát triển các dự án sản xuất thuốc, dược
liệu. Xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu, cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân,
nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật
trồng trọt, thu hái và thu mua, sản xuất, chế biến dược liệu trong tỉnh. Xây dựng
cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến
dược liệu.
Quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc, nguyên liệu làm
thuốc toàn diện từ khâu sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, lưu thông,
phân phối đến sử dụng thuốc; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với
các thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tăng cường hệ thống thanh tra và kiểm tra
hậu mại đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dược nhằm đảm bảo
trật tự, kỷ cương và tăng cường sự tuân thủ pháp luật về dược. Bảo tồn các
nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao; khai thác bền
vững, hạn chế xuất khẩu các dược liệu quý hiếm, nguy cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về lĩnh
vực dược để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm, năng lực quản lý của các nước,
các tổ chức quốc tế để phát triển ngành dược. Thu hút các dự án đầu tư trực tiếp
nước ngoài (FDI) ngành Dược vào tỉnh. Chú trọng khai thác hạ tầng bưu chính để
thúc đẩy các dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính và logistics trong
việc đóng gói, phân loại, bảo quản và vận chuyển các sản phẩm ngành dược nhằm
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế y tế số...
UBND tỉnh yêu cầu xác định rõ trách nhiệm đầu mối,
phối hợp của các cấp, ngành trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực các mục
tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm
2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Kim Oanh (tổng hợp)