Hướng dẫn về chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy khối chính quyền
UBND tỉnh vừa ban hành
Hướng dẫn số 94/HD-UBND ngày 14/2/2025 về chuyển tiếp quản lý các chương trình,
nhiệm vụ, dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy
khối chính quyền tỉnh Nghệ An.
Nguyên tắc trong chuyển
tiếp công tác quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án
Việc bàn giao, tiếp nhận kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, dự
án đầu tư công giữa các cơ quan khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được thực
hiện theo nguyên tắc tiếp nhận toàn bộ chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch
vốn thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp sau khi tiếp nhận, nếu có khó khăn, vướng
mắc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Hạn chế tối đa sự biến động trong công tác quản lý dự án, cần
phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng bên đối với chương
trình, nhiệm vụ dự án và kế hoạch vốn đầu tư công trong từng giai đoạn được
giao quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng bên trong việc bàn giao,
tiếp nhận quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn.
Bảo đảm tính liên tục trong thực hiện chương trình, nhiệm vụ,
dự án và kế hoạch đầu tư công, phương án chuyển tiếp cần bảo đảm tính khả thi,
có thể thực hiện được nhanh chóng để nguồn vốn bố trí và việc tổ chức thực hiện
chương trình, nhiệm vụ, dự án không bị gián đoạn, đình trệ trong quá trình sắp
xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; bảo đảm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch
đầu tư công năm 2025 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao. Đối với các nội dung
liên quan đến công tác quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài phạm vi điều
chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công được thực hiện theo pháp luật chuyên
ngành.
Phương án chuyển tiếp
quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công
Căn cứ Hướng dẫn số 259/HD-BKHĐT ngày 10/01/2025 của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư; trên cơ sở phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy khối
chính quyền tỉnh Nghệ An tại Kế hoạch số 1022/KH-UBND ngày 19/12/2024 của UBND
tỉnh, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có
thể phân loại thành các trường hợp như sau:
Trường hợp 1: 02 Sở hợp nhất, hình thành Sở mới (như hợp nhất
Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, Sở
Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông
tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá và Thể thao và Sở
Du lịch, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ). Sau khi cấp có thẩm
quyền quyết định việc hợp nhất: Người đứng đầu Sở mới có trách nhiệm tiếp nhận,
tổng hợp toàn bộ chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn thuộc phạm vi quản
lý của 2 Sở khi chưa hợp nhất, báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính
(sau hợp nhất) để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư
cho Sở mới sau khi hợp nhất. Việc quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế
hoạch vốn do chủ đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các
pháp luật liên quan.
Trường hợp 2: 01 Sở chuyển chức năng, nhiệm vụ về nhiều Sở
hoặc cơ quan khác (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển một số chức năng,
nhiệm vụ sang Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc; Sở Nội vụ chuyển
chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ về Ban
Dân tộc). Trước khi chuyển giao chức năng nhiệm vụ, người đứng đầu Sở chuyển
giao chức năng có trách nhiệm xác định, phân chia cụ thể chương trình, nhiệm
vụ, dự án và kế hoạch vốn theo lĩnh vực chuyển giao, gửi đến Sở, ngành tiếp
nhận tương ứng với lĩnh vực được chuyển giao. Sau khi cấp có thẩm quyền quyết
định việc sắp xếp lại tổ chức, Sở, ngành tiếp nhận có trách nhiệm nhận bàn giao
chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch vốn theo lĩnh vực nhận chuyển giao và
theo phương án phân chia do người đứng đầu Sở chuyển giao chức năng xác định.
Sở, ngành nhận bàn giao sẽ tổng hợp danh mục chương trình,
nhiệm vụ, dự án và kế hoạch vốn được bàn giao gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu
tư và Sở Tài chính (sau hợp nhất) để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giao
nhiệm vụ chủ đầu tư cho Sở, ngành tiếp nhận. Việc quản lý chương trình, nhiệm
vụ, dự án và kế hoạch vốn do chủ đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư
công và các pháp luật liên quan.
Trường hợp 3: Tiếp nhận nhiệm vụ từ Bộ sang địa phương, không
thay đổi pháp nhân sau sắp xếp (Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản
lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý
thị trường thuộc Sở Công Thương). Giao Sở Công Thương chủ trì, khâu nối với Bộ
Công Thương tham mưu UBND tỉnh phương án tiếp nhận bàn giao chương trình, nhiệm
vụ, dự án, kế hoạch vốn (nếu có) và thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của
Bộ Công Thương.
Tổ chức thực hiện và
tiến độ thực hiện
Việc chuyển tiếp công tác quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự
án khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy là vấn đề mới, hệ trọng, có tác động
sâu rộng và lâu dài; do vậy, để việc chuyển tiếp quản lý dự án và kế hoạch đầu
tư công được diễn ra thuận lợi, đề nghị các Sở, ngành liên quan tổ chức thực
hiện những nội dung sau:
Các Sở, ngành trong diện sắp xếp chủ động rà soát danh mục
chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch vốn được giao để xây dựng phương án
bàn giao, tiếp nhận khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thành
trước ngày 18/02/2025.
Trên cơ sở hướng dẫn tại văn bản này, chủ động hướng dẫn các
chủ đầu tư trực thuộc về việc rà soát chương trình, nhiệm vụ, dự án, bàn giao,
tiếp nhận giữa các đơn vị khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ có trách nhiệm
rà soát, xác định việc phân chia cụ thể chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế
hoạch vốn thuộc phạm vi quản lý theo các lĩnh vực để bàn giao tương ứng về các
Sở, ngành sau sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; gửi phương án phân chia cụ thể
chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công theo lĩnh vực chuyển giao
đến Sở, ngành tiếp nhận tương ứng với lĩnh vực được chuyển giao trước ngày 18/02/2025.
Ngay khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp, kiện
toàn tổ chức bộ máy, các Sở, ngành thực hiện việc tiếp nhận và tổng hợp danh
mục chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch vốn gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính (sau hợp nhất) để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giao
nhiệm vụ chủ đầu tư cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án. Các chủ đầu tư được
giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và triển khai thực hiện chương
trình, nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các pháp luật
có liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính (sau hợp nhất) chủ trì,
phối hợp với các Sở, ngành tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh quyết định hoặc trình
cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2025 cho các chủ đầu tư để triển khai
thực hiện.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (sau hợp
nhất) thực hiện bảo đảm công tác điều chỉnh, đồng bộ thông tin, dữ liệu của các
chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương của các
Sở, ngành thuộc diện sắp xếp trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia
về đầu tư công nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, không để gián đoạn trong công
tác theo dõi, đánh giá, tổng hợp dự án, kế hoạch vốn đầu tư công.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (sau hợp nhất) phương án điều chỉnh các Hiệp định
vay vốn đã ký với các đối tác quốc tế đối với các dự án sử dụng vốn ODA liên
quan đến các Sở, ngành trong diện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Phối hợp
với các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý tài chính, ngân sách trên các hệ
thống điện tử về quản lý tài chính, ngân sách, kho bạc.
Kho bạc Nhà nước Nghệ An phối hợp với các chủ đầu tư trong
quá trình đối chiếu, xác định số liệu thanh quyết toán vốn đầu tư của các dự án
để phục vụ công tác bàn giao nhiệm vụ chủ đầu tư trong quá trình sắp xếp, kiện
toàn tổ chức bộ máy.
UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Hướng dẫn số
259/HD-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nội dung hướng dẫn tại văn bản này để
hướng dẫn và tổ chức thực hiện trên địa bàn bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có khó khăn,
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý theo
quy định./.
PT (Tổng hợp)