image banner

image advertisement image advertisement

Giai đoạn 2025 – 2027, phấn đấu trên 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử

Là mục tiêu UBND tỉnh đề ra tại Quyết định số 3721/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 ban hành Đề án phát triển y tế thông minh tỉnh Nghệ An đến năm 2030.

Xây dựng Trung tâm điều hành y tế thông minh nhằm hỗ trợ công tác quản lý, giám sát, điều hành

Mục tiêu chung được xác định: Ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Nghệ An hiện đại, chất lượng, công bằng, minh bạch, hiệu quả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ liên tục, suốt đời.

Giai đoạn 2025-2027, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, xây dựng nền quản trị y tế thông minh. Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các TTHC đủ điều kiện xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình; ứng dụng CNTT, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau.

Ứng dụng nền tảng cơ sở dữ liệu y tế dùng chung toàn tỉnh nhằm mục đích thu thập, cung cấp, đồng bộ, lưu trữ và khai thác dữ liệu tại các cơ sở y tế kịp thời, chính xác để công tác quản trị y tế từ cấp tỉnh đến cấp quản lý cơ sở y tế được hiệu quả tối ưu. Xây dựng Trung tâm điều hành y tế thông minh nhằm hỗ trợ công tác quản lý, giám sát, điều hành. Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh thông minh; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ liên tục và suốt đời để góp phần xây dựng thành phố thông minh theo mục tiêu của tỉnh Nghệ An.

Trên 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số; 100% các dịch bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế; 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế…

Đến năm 2030, tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2025-2027 và phấn đấu 100% hệ thống thông tin y tế được kiểm tra định kỳ, đánh giá đạt yêu cầu an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình vận hành sử dụng, khai thác. Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc của Sở Y tế, hồ sơ công việc của các đơn vị trong ngành được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế không phải cung cấp lại…

Thực hiện tốt 10 nhiệm vụ, giải pháp về phát triển y tế thông minh

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển y tế thông minh tại Nghệ An; Xây dựng nền quản trị y tế thông minh; Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng bệnh thông minh; Xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh thông minh; Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin y tế; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; Bảo đảm an toàn thông tin; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thông minh trong y tế; Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển đổi số và y tế thông minh; Đánh giá việc triển khai Đề án.

Trong đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên tại các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế và người dân về ý nghĩa, vai trò và lợi ích của y tế thông minh cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc triển khai đề án y tế thông minh tại Nghệ An. Kết nối 100% nhà thuốc, quầy thuốc vào CSDL dược quốc gia, CSDL đơn thuốc quốc gia. Triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ. Triển khai đơn thuốc điện tử.

Xây dựng hạ tầng CNTT trong ngành Y tế đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, chất lượng và hiệu quả đáp ứng nhu cầu hội nhập trong nước và quốc tế; giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ chất lượng cao ngay tại tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin tại Sở Y tế đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng để triển khai được các nội dung của Đề án. Khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu khoa học về các ứng dụng thông minh trong y tế. Khuyến khích hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển y tế thông minh. Đẩy mạnh hợp tác, thăm quan, học tập học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, mô hình triển khai chuyển đổi số ngành y tế tại các địa phương khác. Tổ chức các hội thảo, các diễn đàn về trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số ngành y tế.

Tổ chức triển khai, ứng dụng và khai thác hiệu quả, an toàn các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được đầu tư

UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì xây dựng, trình ban hành kế hoạch triển khai chi tiết Đề án hàng năm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Đề án. Tổ chức triển khai, ứng dụng và khai thác hiệu quả, an toàn các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được đầu tư. Đảm bảo tính liên thông kết nối và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh, với hệ thống quản lý của Bộ Y tế qua trục LGSP. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; triển khai đề án “khám, chữa bệnh từ xa” và các nhiệm vụ trọng tâm khác theo đúng kế hoạch. Đề xuất các cơ chế chính sách cần thiết thúc đẩy Đề án.

Các Sở: TT&TT, KH&ĐT, KH&CN, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Y tế trong công tác để đảm bảo tuân thủ quy định về Quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT, an toàn thông tin dữ liệu và an ninh mạng; thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu số với các cơ quan, tổ chức trong phạm vi đề án; cung cấp dữ liệu mở của Y tế tỉnh cho các tổ chức, người dân có nhu cầu. Tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế thông minh; đảm bảo liên thông dữ liệu BHYT và dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các hệ thống của tỉnh.

UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai tại các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý.

Các đơn vị y tế được giao làm chủ đầu tư, trực tiếp triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, đấu thầu mua sắm, đấu thầu thuê các dịch vụ đảm bảo theo quy định và theo phân cấp ngân sách. Các bệnh viện, các trung tâm y tế chủ động, ưu tiên bố trí nguồn nhân lực và cân đối tài chính theo khả năng để triển khai xây dựng bệnh viện thông minh và bệnh án điện tử; chủ động đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT để xác định mức ứng dụng CNTT tại đơn vị và xác định các hạng mục ưu tiên đầu tư để đáp ứng điều kiện sớm tiên phong triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh tại tỉnh...

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, nỗ lực, đồng sức, đồng lòng có nhiều biện pháp mang tính đột phá trong cải cách hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh hướng tới mục tiêu chung là sự hài lòng của người dân. Đến nay, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh từ tỉnh, huyện, xã đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, kết nối, liên thông dữ liệu với Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tất cả hồ sơ khám, chữa bệnh được đẩy tự động lên Cổng giám định Bảo hiểm y tế theo đúng quy định.

Có 531/531 cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện tiếp đón người bệnh bằng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT. Đạt 93% hồ sơ đã khởi tạo trên hệ thống và hơn 89% trên hồ sơ đã có dữ liệu khám, chữa bệnh đối với việc lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. 100% trạm y tế triển khai phần mềm dùng chung. 100% đơn vị đã triển khai được việc thanh toán viện phí qua ngân hàng. Việc thực hiện chuyển đổi số cũng đang được triển khai mạnh mẽ trong kê đơn thuốc điện tử và kết nối với hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn…

Kim Oanh (T/h)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image