Ban hành quy định quản lý, vận hành công trình đối với các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia
Ngày 21/4/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thành
Vinh ký Quyết định số 13/2025/QĐ-UBND về việc ban hành quy định quản lý, vận
hành công trình; quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình đối với các
dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục
tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Quy định này
áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu
tư, xây dựng, quản lý, vận hành dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù quy định
tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ thuộc các Chương
trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Về tổ chức quản lý, vận hành công trình: UBND cấp xã giao Ban quản lý xã hoặc Ban phát triển
thôn trực tiếp quản lý vận hành công trình xây dựng. Ban quản lý xã, phường,
thị trấn (Ban quản lý xã) được thành lập để tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG
trên địa bàn cấp xã. Trưởng ban là Chủ tịch UBND cấp xã, thành viên bao gồm:
Công chức cấp xã phụ trách ngành, lĩnh vực liên quan các chương trình MTQG; đại
diện các đoàn thể chính trị- xã hội và cộng đồng dân cư. Ban phát triển thôn,
bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, khu dân cư, tổ dân phố và tương đương (Ban phát
triển thôn) do cộng đồng dân cư bầu, hoạt động theo quy chế do cộng đồng dân cư
thống nhất và được UBND cấp xã công nhận.
Về công tác quản lý, vận hành công trình: Xây dựng nội quy sử dụng, bảo vệ và khai thác công trình,
nội quy tại công trình. Vận hành công trình theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng
nội quy sử dụng và bảo vệ công trình. Chuẩn bị kế hoạch, phương án bảo vệ công
trình trong các tình huống nguy hiểm do thiên tai, thảm họa gây ra (mưa bão,
giông lốc, lũ lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn,...), có biện pháp phòng chống giảm
thiểu rủi ro, thiệt hại. Ngay sau khi kết thúc thiên tai, thảm họa phải tiến
hành kiểm tra công trình, xác định hư hỏng và có biện pháp khắc phục đảm bảo
công trình hoạt động bình thường.
Về trách nhiệm lập, phê duyệt kế hoạch, thực hiện bảo
trì công trình: Ban quản lý xã xây
dựng kế hoạch bảo trì các công trình trên địa bàn xã (bao gồm các công trình do
Ban phát triển thôn quản lý vận hành) trình UBND cấp xã quyết định.
Nội dung
chính của Kế hoạch bảo trì bao gồm: Tên công việc thực hiện; Thời gian thực
hiện; Phương thức thực hiện; Chi phí thực hiện.
UBND cấp xã
có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt kế hoạch bảo trì và lựa chọn cộng đồng dân
cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ, hợp tác xã thực hiện bảo trì công trình xây
dựng. Trường hợp gặp khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt kế hoạch bảo
trì công trình, UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện giao phòng kinh
tế hạ tầng (phòng quản lý đô thị) cử cán bộ chuyên môn để hỗ trợ trong công tác
thẩm định, phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình.
Việc tổ chức
thực hiện bảo trì công trình phải thực hiện theo đúng kế hoạch bảo trì, đảm bảo
các quy định về thi công xây dựng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng
cháy chữa cháy và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Về chi phí thực hiện công tác bảo trì công trình: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP
ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất
lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Nội dung chi phí bảo
trì bao gồm: Chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí
sửa chữa công trình, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình, chi phí quản lý
bảo trì thuộc trách nhiệm chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình và
chi phí khác (nếu có). Chi phí bảo trì công trình xây dựng được xác định cụ thể
theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08/9/2021 của Bộ Trưởng Bộ
Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.
UBND tỉnh
giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan phổ
biến, hướng dẫn việc thực hiện Quy định này.
Sở quản lý
công trình xây dựng theo chức năng nhiệm vụ và các loại công trình đã được phân
công phối hợp hướng dẫn, giám sát việc tuân thủ quy định về công tác bảo trì
công trình; giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng kế
hoạch bảo trì công trình.
UBND các
huyện, thành phố, thị xã thực hiện chức năng về quản lý nhà nước về bảo trì
công trình xây dựng trên địa bàn. Trình HĐND cấp huyện phân bổ kinh phí sự
nghiệp hằng năm để thực hiện bảo trì các công trình theo quy định. Tổ chức thẩm
định danh mục bảo trì các công trình xây dựng trên địa bàn huyện.
UBND các xã,
phường, thị trấn quyết định kế hoạch bảo trì và lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ
chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ, hợp tác xã thực hiện bảo trì theo quy trình bảo
trì công trình xây dựng. Giám sát hoạt động của Ban quản lý xã hoặc Ban phát
triển thôn thực hiện các nội dung theo quy định.
Ban quản lý
xã hoặc Ban phát triển thôn tổ chức quản lý vận hành công trình xây dựng được
giao theo quy định; tổ chức thực hiện công tác bảo trì công trình; báo cáo, đề
xuất UBND cấp xã nhu cầu bảo trì công trình khi bị xuống cấp, hư hỏng. Chịu
trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng, đơn giá và giá trị đề
nghị thanh toán theo dự toán được duyệt.
Các hộ gia
đình, cá nhân hưởng lợi từ công trình có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia bảo
vệ công trình công cộng. Khi phát hiện công trình bị phá hoại, xâm phạm, xảy ra
sự cố hoặc có hiện tượng hư hỏng cần ngăn chặn kịp thời và báo ngay cho Ban
quản lý xã hoặc Ban phát triển thôn để kịp thời xử lý, khắc phục.
Trường hợp
các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại quy định này được sửa đổi, bổ sung
hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định mới tại
văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế khi có hiệu lực thi hành. Trong quá
trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh
kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
Kim Oanh (T/h)