Ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023
Ngày 5/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long ký Quyết định số 1588/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023.
Không để bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng, cơ sở y tế
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số ca mắc và tử vong vì các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập vào Việt Nam. Đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động phòng chống dịch COVID-19, thực hiện giám sát phát hiện sớm để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế tối đa số ca chuyển nặng và tử vong.
Bên cạnh đó, bảo đảm công tác phân tuyến điều trị, giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh. Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành về triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương…
Kế hoạch đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đối với bệnh truyền nhiễm: Không để bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng, cơ sở y tế. Đối với các bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9) hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập. 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa xâm nhập và lây lan đối với các bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác.
Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết dưới 100.000 dân giảm 5% so với năm 2022. Tỷ lệ chết/mắc dưới 0,09%. 3% tỷ lệ ca lâm sàng được xét nghiệm định týp vi rút.
Tỷ lệ mắc bệnh sốt rét, dưới 0,008/100.000 dân; không để có trường hợp tử vong. Khống chế nhỏ hơn 06 trường hợp tử vong đối với bệnh dại. Tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng dưới 100/100.000 dân, tỷ lệ tử vong dưới 0,05%. Tỷ lệ mắc bệnh tả, lỵ trực trùng đạt 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng.
Tỷ lệ mắc bệnh sởi, rubella nhỏ hơn 40/100.000 dân; tỷ lệ tử vong nhỏ hơn 0,1%. Bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản B và các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm 5% so với trung bình giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.
Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong phòng chống dịch bệnh
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về chủ động phòng chống dịch COVID-19; đề cao kỷ luật, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Giám sát, phát hiện và xử lý, kiểm soát dịch bệnh. Chủ động theo dõi, giám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, nhất là COVID-19, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và các bệnh lưu hành; thường xuyên đánh giá, phân tích, nhận định, dự báo tình hình. Chuẩn bị các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch không để bị động, lúng túng khi dịch xảy ra. Chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu; giám sát, phát hiện sớm tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế; xử lý kịp thời các ổ dịch, triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, hạn chế bùng phát lây lan trên diện rộng. Triển khai hiệu quả kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học và cập nhật hướng dẫn tiêm chủng đối tượng khuyến cáo của WHO…
Bên cạnh đó, tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế.
Các cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cho các cơ sở y tế tại các huyện, đặc biệt là công tác xét nghiệm đối với dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như dịch bệnh COVID-19.
Mặt khác, rà soát, củng cố năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tổ chức đào tạo, tập huấn, giao ban trực tuyến về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm nhằm tăng cường năng lực cho các tuyến đáp ứng yêu cầu điều trị; tiếp tục cập nhật các hướng dẫn chuyên môn, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về đảm bảo an toàn tiêm chủng, tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Đầu tư nguồn lực về y tế, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế đối với chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh; tổ chức tốt công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh; công bố dịch, quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, kiểm dịch y tế biên giới trên địa bàn tỉnh…
UBND tỉnh giao Sở Y tế là cơ quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch. Khi dịch bệnh xảy ra, Sở Y tế chủ trì phối hợp các ngành tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo từng cấp độ dịch và đề xuất các biện pháp can thiệp với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong ở mức thấp nhất.
T.H (tổng hợp)