image banner

image advertisement image advertisement

Năm 2023, triển khai đánh giá phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng tại 7 địa phương trên địa bàn tỉnh

Ngày 6/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND về việc phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025.

Xây dựng kế hoạch phòng chống ký sinh trùng phù hợp cho từng nhóm bệnh, từng vùng dịch tễ

Kế hoạch được ban hành nhằm góp phần làm giảm gánh nặng bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Nghệ An và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Mục tiêu cụ thể là đánh giá mức độ lưu hành của nhóm bệnh ký sinh trùng như bệnh giun truyền qua đất, bệnh giun đường ruột, bệnh sán lá gan truyền qua thức ăn, bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người... và xây dựng được bản đồ dịch tễ của bệnh và nhóm bệnh ký sinh trùng. Đề xuất biện pháp can thiệp và xây dựng kế hoạch phòng chống ký sinh trùng phù hợp cho từng nhóm bệnh, từng vùng dịch tễ.

Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng gồm: Xác định vùng dịch tễ của nhóm bệnh và từng bệnh ký sinh trùng, dân số chung của từng vùng; xác định nhu cầu thuốc, vật tư, kinh phí, can thiệp cho các vùng dịch tễ; lập kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng theo vùng dịch tễ của mỗi bệnh ký sinh trùng.

Triển khai đánh giá phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng tại tất cả 21 huyện, thành, thị. Cụ thể, năm 2023, triển khai đánh giá tại 7 huyện: Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Nam Đàn, Tân Kỳ, Tương Dương, TP Vinh. Năm 2024, triển khai đánh giá tại 7 huyện: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Đô Lương, Anh Sơn, Kỳ Sơn, TX Hoàng Mai. Năm 2025, triển khai đánh giá tại 7 huyện: Yên Thành, Quế Phong, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Con Cuông, TX Cửa Lò, TX Thái Hòa.

Thu thập tài liệu liên quan gồm: Bài báo, báo cáo, kết quả điều tra bệnh ký sinh trùng 2018-2022; thiết kế mẫu thu thập số liệu giai đoạn 2018-2022 theo xã, huyện, tỉnh; thành lập các đội điều tra phân vùng dịch tễ ký sinh trùng của tỉnh, huyện, thành, thị; tổ chức tập huấn về phân vùng dịch tễ ký sinh trùng; tổ chức triển khai thu thập số liệu tại thực địa; tổng hợp số liệu từ các đội điều tra. Đánh giá mức độ lưu hành của một số bệnh ký sinh trùng như bệnh giun truyền qua đất, bệnh giun đường ruột, bệnh sán lá truyền qua thức ăn, bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người...

Tỉnh tiến hành lựa chọn 09 loại bệnh cần ưu tiên đánh giá trong giai đoạn 2023-2025 như sau: Bệnh giun truyền qua đất gồm bệnh giun đũa, bệnh giun tóc, bệnh giun móc; bệnh giun đường ruột khác gồm bệnh giun kim; bệnh sán lá truyền qua thức ăn gồm bệnh sán lá gan lớn; các bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người gồm bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo.

Tỉnh tổ chức điều tra đánh giá tại 01 huyện, thành phố, thị xã chọn đại diện 02 xã, phường, thị trấn phân bố theo 01 xã thị trấn/phường và 01 xã nông thôn. Tại mỗi xã, phường, thị trấn lấy 200 mẫu. Tại mỗi xã, phường, thị trấn được chọn ngẫu nhiên 3 thôn, bản, xóm, tổ, khối; tại mỗi thôn, bản, xóm, tổ, khối được chọn ngẫu nhiên 25-30 hộ gia đình, tại mỗi hộ gia đình được chọn 2-3 người trong hộ để xét nghiệm đủ 200 người/xã, phường, thị trấn. Đối tượng xét nghiệm là người từ 02 tuổi trở lên đến 65 tuổi. Đối tượng phỏng vấn gồm người từ 16 tuổi trở lên, khoảng 150 người/xã sẽ được phỏng vấn...

5 bước tổ chức thực hiện điều tra gồm: Thành lập các nhóm phân vùng của tuyến tỉnh, huyện; Đào tạo tập huấn; Tiến hành điều tra phân vùng; Phân vùng và xây dựng bản đồ phân vùng; Hội thảo đánh giá kết quả phân vùng.

Đa dạng hóa các loại hình truyền thông để người dân phối hợp thực hiện trước và sau khi có kết quả phân vùng

UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả kế hoạch phân vùng dịch tễ các bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025; chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác phân vùng dịch tễ các bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định. Cập nhật diễn biến tình hình ký sinh trùng, đánh giá các yếu tố nguy cơ và đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp triển khai hoạt động phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng...

Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh phù hợp với khả năng cân đối ngân sách hàng năm.

Sở TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử Nghệ An, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa các loại hình truyền thông, giáo dục về phương pháp phòng, chống các bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là các vùng trọng điểm để người dân phối hợp thực hiện trước và sau khi có kết quả phân vùng.

Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác điều tra phân vùng bệnh ký sinh trùng theo chức năng nhiệm vụ của ngành. Sau khi có kết quả phân vùng, chỉ đạo triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện công tác điều tra phân vùng bệnh ký sinh trùng có nguy cơ lây truyền từ động vật sang người nhằm làm giảm ảnh hưởng tới công tác phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh tế và giảm phát tán mầm bệnh giun, sán ra môi trường, từ đó hạn chế được nguồn lây nhiễm sang người.

UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Trung tâm Y tế tham mưu cho UBND cấp huyện xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phân vùng dịch tễ các bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn. Các huyện, thành phố, thị xã thuộc các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao (sau khi có kết quả phân vùng) tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp có hiệu quả theo kế hoạch và hướng dẫn của Sở Y tế.

Theo kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương năm 2020 - 2021 tại một số huyện trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ nhiễm giun sán đường ruột 15-20%. Theo báo cáo kết quả bệnh nhân có triệu chứng đến khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (giai đoạn năm 2018 - 2022), tỷ lệ phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn là 18,33%, ấu trùng giun lươn là 13%, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là 37%.

Tuy nhiên, bệnh ký sinh trùng gồm nhiều loại, phân bố rộng rãi nhưng không đồng đều, tính chất bệnh đa dạng phụ thuộc vào điều kiện khí hậu của các vùng sinh thái khác nhau và tính chất xã hội của từng vùng, miền nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Số liệu về bệnh ký sinh trùng không đầy đủ và không đại diện cho các huyện, thành, thị, các vùng miền, các đối tượng nên khó khăn trong công tác xác định ưu tiên phòng chống bệnh. Thiếu trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động điều tra cơ bản, lập bản đồ phân vùng dịch tễ, chẩn đoán, điều trị. Tỷ lệ mắc của một số loại ký sinh trùng trong một số cộng đồng dân cư đặc thù cao, như ở trẻ em, phụ nữ độ tuổi sinh sản, nhóm dân cư vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số...

Kim Oanh (tổng hợp)