Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan.
Đây là một trong những nội dung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt tại Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Mục tiêu của đề án là ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 như sau: Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh bền vững. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Hoàn thành Cổng thông tin du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan du lịch.
Hoàn thành nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch (e-tourism). Hình thành Trung tâm điều hành du lịch và đi vào vận hành thử nghiệm, kết nối thí điểm với một số địa phương phát triển du lịch thông minh. Ưu tiên phát triển du lịch thông minh đồng bộ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Giang, Quảng Trị, An Giang và Kiên Giang.
Để đạt mục tiêu trên, Đề án đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp như sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh; Phát triển hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch; Phát triển các ứng dụng: Nhóm 1: Ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, Nhóm 2: Ứng dụng hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch, Nhóm 3: Ứng dụng hỗ trợ, quản lý điểm đến thông minh, Nhóm 4: Ứng dụng hỗ trợ, quản lý doanh nghiệp thông minh; Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; Nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh…
Tuyết Lạc
Nguồn: Chinhphu.vn(23/12/2022)