image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Hiến kế để phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ

Trong khuôn khổ Diễn đàn liên kết phát triển du lịch với chủ đề "Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến" được tổ chức vào chiều ngày 1/7 tại TP Vinh, các chuyên gia, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm kết nối du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương.

Anh-tin-bai

Các đồng chí lãnh đạo các tỉnh/thành điều hành diễn đàn

Anh-tin-bai
Quang cảnh diễn đàn

 

Thích ứng và thay đổi theo hành vi du lịch của khách hàng

Anh-tin-bai

Ông Martin Koerner - Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) hiến kế để phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ phát triển

Ông Martin Koerner - Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết, Châu Âu rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch tại Việt Nam.

Theo ông Martin Koerner, ngành du lịch chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu với giá trị 9.000 tỷ USD năm 2019. Quy mô này gấp 3 lần quy mô ngành nông nghiệp trên toàn cầu, trong đó, du lịch châu Âu chiếm khoảng 2%, châu Á – Thái Bình Dương chiếm tới 9%, tạo công ăn việc làm cho hơn 185 triệu người. Đại dịch COVID-19 bùng phát tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhờ có vaccine, nền kinh tế từng bước được mở cửa trở lại ở Châu Âu, Châu Á. Nhiều quốc gia cũng mở cửa đón khách du lịch.

Theo khảo sát, năm 2022, du lịch Việt Nam đã tăng 124% so với năm 2020, là dấu hiệu tốt cho thấy du lịch đang đi đúng hướng mặc dù còn nhiều khó khăn. Ông Martin Koerner cho rằng, Việt Nam hiện chưa có dòng đầu tư du lịch mạnh mẽ từ Châu Âu.

Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu Martin Koerner đã đưa ra 3 đề xuất để nâng tầm du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch cũng như đầu tư du lịch nhiều hơn. Đó là: Tăng cường quảng bá các điểm du lịch trên các kênh truyền thông. Đồng thời, thích ứng và thay đổi theo hành vi du lịch của khách hàng, kết hợp chặt chẽ với các công ty điều hành, đại lý du lịch để phát triển sản phẩm du lịch. Xây dựng tiêu chuẩn về thương hiệu, cơ sở hạ tầng tốt hơn, có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch được đào tạo chuyên nghiệp để thu hút khách du lịch.

Phát huy nội lực vùng và thu hút đầu tư để đưa du lịch thành động lực tăng trưởng kinh tế

Anh-tin-bai

Ông Trương Đức Hùng – Phó Tổng giám đốc điều hành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn tham luận

Anh-tin-bai
Bà Tạ Thị Tú Uyên - Phó Giám đốc Ban Sản phẩm và Dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel trình bày tham luận

Theo ông Trương Đức Hùng – Phó Tổng giám đốc điều hành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, vùng Bắc Trung Bộ mở rộng có vị trí giao thông thuận lợi, nơi đây tập trung nhiều khu du lịch, hình thành nhiều tài nguyên, kinh doanh đa dạng. Từ góc độ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn nhận thấy du lịch vùng Bắc Trung Bộ mở rộng còn nhiều tiềm năng. Trong nhiều năm qua, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cũng đưa ra nhiều giải pháp, liên kết với các khu du lịch.

Để du lịch vùng Bắc Trung bộ phát triển, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết, có cơ chế để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ nhằm tạo ra những gói sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, biển... hấp dẫn. Bên cạnh đó, các vùng cũng cần có chính sách đầu tư hạ tầng, khu vui chơi, giải trí, cơ sở dịch vụ... cùng nhiều hình thức du lịch khác.

Đại diện của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng cần tổ chức đón các đoàn travel blogger trong nước lẫn quốc tế tới khảo sát các địa điểm du lịch tại vùng Bắc Trung Bộ mở rộng; đẩy mạnh quảng bá du lịch bằng công nghệ như trên website, YouTube... Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo cho các nhân viên làm trong ngành du lịch.

Trong thời gian tới, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn sẽ tập trung phát triển những tour mới lạ trên cơ sở khai thác đa dạng tài nguyên, đặc trưng của từng địa phương, từ hình thức du lịch tiết kiệm tới cao cấp. Tổng Công ty cũng sẽ liên kết với chính quyền địa phương để quảng bá thương hiệu du lịch, đẩy mạnh chương trình hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ.

Xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng nhằm thu hút khách đến vùng Bắc Trung Bộ mở rộng

Tại diễn đàn, đại diện Công ty Du lịch Vietravel, bà Tạ Thị Tú Uyên -  Phó Giám đốc Ban Sản phẩm và Dịch vụ cho rằng vai trò của liên kết du lịch vùng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm. Vì vậy, các địa phương phải cùng hỗ trợ nhau để thúc đẩy hoạt động liên kết sâu rộng, hiệu quả, từ đó sẽ thúc đẩy, tận dụng được tiềm năng vốn có của từng địa phương. Liên kết vùng còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nâng tầm dịch vụ, chất lượng nhân lực, biến khó khăn thành lợi thế. Các địa phương cũng nên phát huy thế mạnh tối đa nguồn tài nguyên của mình.

Để phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ, Vietravel đưa ra các chương trình du lịch: Văn hóa, di sản, tắm biển, nghỉ dưỡng, tín ngưỡng, sức khỏe chữa lành, cắm trại, mạo hiểm... Cụ thể, công ty phát triển sản phẩm mới với 3 hành trình cơ bản: Bình yên chốn Thanh – Nghệ - Tĩnh, Qua miền di sản Bình - Trị - Thiên, Trọn vẹn hành trình Đà Nẵng – Huế - Quảng Bình – Quảng Trị - Nghệ An – Thanh Hóa. Du khách có thể đến các địa phương nhiều lần qua các hành trình này, qua đó sẽ tìm được những cảm xúc thăng hoa.

Cũng tại hội nghị, đại diện Vietravel đề xuất các đơn vị quản lý xây dựng, nâng cấp các tuyến cao tốc, hàng không, quy hoạch tuyến đường ven biển. Ngoài ra, cần đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt tập trung vào nhóm khu lưu trú 4 sao; chú trọng đào tạo nhân lực trực tiếp từ đơn vị cung ứng…

Oanh – Thúy (tổng hợp)