Sáng 24/2, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự hội nghị có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành, thị; đại diện các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ảnh: Đ.C
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: Về bố cục Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều (tăng thêm 2 chương, 23 điều so với Luật Đất đai 2013). Ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo là rất cần thiết, góp phần xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm quyền, lợi ích của người dân nói chung, hội viên nông dân nói riêng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, tập trung vào 7 vấn đề trọng tâm, gồm: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều ý kiến cho rằng, Điều 3, Khoản 10 quy định cộng đồng dân cư có cùng phong tục, tập quán hoặc chung dòng họ. Đây là quy định không hợp thực tế bởi cộng đồng dân cư ở thành phố hiện nay gồm các gia đình quê quán khác nhau, tập quán, phong tục, dòng họ khác nhau cùng chung sống. Điều 211 quy định về tách thửa đất, hợp thửa đất, tại Điểm b, Khoản 1 quy định thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được cấp phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với đất liền kề có cùng mục đích sử dụng đất. Đề nghị xem lại, giả sử tách thửa cho con có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu, song đất liền kề là của người khác thì làm sao hợp thửa được. Tại Điều 213 đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng, Khoản 1 điều này đề nghị cần quy định rõ UBND cấp nào để tránh đùn đẩy trách nhiệm. Mục 1 thuộc Điều 225 về tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất nên xem vai trò hòa giải của UBND, những trường hợp không hòa giải, giải quyết được thì mới chuyển sang tòa…
Ngoài ra, tại Điều 30, Khoản 1, Điểm i quy định tổ chức, cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất. Tuy nhiên, tại Điểm k lại quy định một số đối tượng được Nhà nước cho thuê đất, trong đó có cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài (cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quy định tại Điểm i và Điểm k không nhất quán). Để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong cơ chế, chính sách cần hạn chế tối đa hướng dẫn chi tiết các điều của Luật.
Đề nghị bổ sung vào Điều 11 (trang 11) của Dự thảo về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, như sau: Có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với lý do Nhà nước đã cho hợp đồng các nhà tư vấn để đo đạc bản đồ, làm các thủ tục để cấp đất nhưng trên thực tế, đến nay, có nhiều xã, nhiều hộ gia đình vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất phức tạp, nếu để các cá nhân, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tự đi làm hồ sơ để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà con không đủ trình độ, năng lực để làm…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao các ý kiến xác đáng, chỉ ra những lỗ hổng, những thiếu sót, bất cập… của các đại biểu góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Hội sẽ tiếp thu, tập hợp các ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo gửi các cấp, ngành.
Công Kiên
Nguồn: Báo Nghệ An (24/2/2023)