Tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn về việc rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Tại Công văn số 7604/BCĐ389 ngày 12/9, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh quán triệt nội dung Công văn số 82/BCĐ389-VPTT ngày 28/7/2023 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về việc rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, tại Công văn số 82/BCĐ389-VPTT, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức thực hiện theo hướng dẫn với hơn 250 nội dung khó khăn vướng mắc, được trình bày thành ba nhóm vấn đề. Thứ nhất, đó là những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa - Ảnh minh họa
Thứ hai là những khó khăn vướng mắc trong quan hệ phối hợp. Cụ thể, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các quy chế phối hợp giữa các lực lượng, đơn vị chức năng, địa phương, về cơ bản đã phối hợp thực hiện tốt. Tuy nhiên có lúc, có nơi, có đơn vị, địa phương, khu vực vẫn còn tình trạng cát cứ địa bàn, lợi ích, thành tích, vùng miền, lực lượng.
Sự trùng dẫm về phân công, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử lý, không phân rõ trách nhiệm đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến buông lỏng quản lý. Việc chia sẻ thông tin còn hạn chế, không thường xuyên, chưa đồng bộ kết nối khai thác được các lợi thế dữ liệu thông tin của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối với cơ quan thực thi pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế. Hợp tác, quan hệ quốc tế (chia sẻ thông tin tội phạm xuyên quốc gia, ủy thác điều tra, dẫn độ...) trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Ngoài hai nhóm vấn đề trên, còn có nhiều khó khăn vướng mắc khác như: Kiến nghị bổ sung kinh phí và hậu cần phục vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, xây dựng kho bãi bảo quản, tang vật, vật chứng của các vụ án, vụ việc, xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng... Từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ, lực lượng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo về số lượng có đủ phẩm chất, bản lĩnh, trình độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, thường xuyên đào tạo chuyên sâu và tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền, phân công trách nhiệm quản lý đối tượng, địa bàn, lĩnh vực gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, kéo dài xảy ra thuộc lĩnh vực, địa bàn và trách nhiệm quản lý. Sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, kết nối khai thác, chia sẻ dữ liệu thông tin sẵn có của các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kim Oanh (tổng hợp)