Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Công
điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Liên đoàn Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu rõ:
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 do Liên
đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ghi nhận nhiều kết quả
tích cực như: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tiếp tục được duy trì
ở mức cao; minh bạch thông tin được nâng cao; thủ tục gia nhập thị
trường thuận lợi hơn; chất lượng lao động có chuyển biến tích cực; tỷ lệ
doanh nghiệp dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong hai năm tới
tăng mạnh cho thấy doanh nghiệp đã lạc quan trở lại; tỷ lệ doanh nghiệp
có kế hoạch đầu tư xanh tăng lên, cam kết tăng trưởng xanh của Việt Nam
đang mang lại những kết quả rõ rệt.... Tuy nhiên, PCI 2024 cũng cho thấy
xu hướng chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại; tính năng
động của chính quyền địa phương suy giảm; khó khăn về tiếp cận đất đai
gia tăng; doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng quy mô sản xuất kinh
doanh vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch COVID-19 và tiếp tục đối diện
với nhiều thách thức mới, đặc biệt là biến động kinh tế toàn cầu ngay từ
đầu năm 2025.
Để tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách
nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi
cho cộng đồng doanh nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023
của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân
Việt Nam trong thời kỳ mới và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh
tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển
kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
theo Nghị quyết số 68/NQ-TW ngày 04 tháng 5 năm 2025 của Bộ Chính trị về
phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao:
- Nghiên cứu các kết quả về môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị môi trường tại Báo cáo Chỉ số PCI 2024 (do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 06 tháng 5 năm 2025 và đăng tải tại địa chỉ: https://pcivietnam.vn/an-pham/bao-cao-pci) để
tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp khắc
phục tồn tại, hạn chế; chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm,
giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp nâng cao chất
lượng điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu
tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền
vững, bảo vệ môi trường.
- Chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, cán bộ,
công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về tinh thần, thái độ phục
vụ người dân, doanh nghiệp; phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân
có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chấm dứt ngay tình trạng
doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục
hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành
chính nhà nước.
- Rà soát, thiết lập, duy trì đường dây nóng một
cách thực chất, hiệu quả để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị theo
quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của
Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ
chức về quy định hành chính và các quy định pháp luật liên quan; chỉ đạo
tiếp nhận, xử lý ngay các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc
phải trả chi phí không chính thức cho cơ quan hành chính nhà nước, cán
bộ, công chức, viên chức.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế,
thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách
để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai
đoạn mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên và
hai con số trong những năm tiếp theo như chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
-
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 66/NQ-CP
ngày 26 tháng 3 năm 2025 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục
hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và
2026, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2025 về những nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia năm 2025, bảo đảm đạt và vượt các mục tiêu Chính
phủ đề ra. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính,
điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung vào lĩnh vực như: thuế,
hải quan, xây dựng, môi trường, tiếp cận điện năng,…; triển khai có hiệu
quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.
- Triển khai các
giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản
xuất, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hình
thành chuỗi cung ứng nội địa bền vững; đồng thời đẩy mạnh đào tạo và
phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt tập trung vào các vị
trí kỹ thuật chuyên môn và quản lý giám sát thông qua hợp tác với các cơ
sở giáo dục, đào tạo nghề và chương trình thực tập thực tế tại doanh
nghiệp.
b) Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các
doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm
của cơ quan nhà nước chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ
yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm
trung tâm, chủ động, tận tụy giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tuyên truyền để các doanh nghiệp không thao túng, trục lợi chính sách,
lợi dụng, làm tha hóa cán bộ, công chức, đồng thời kiên quyết từ chối
trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành
chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan hành chính nhà nước;
phản ánh trung thực, kịp thời đến đường dây nóng của các bộ, ngành, địa
phương trong trường hợp bị gây khó khăn, gợi ý trả chi phí không chính
thức.
c) Hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến
khích các doanh nghiệp: (i) Đầu tư nguồn lực, nghiên cứu xu hướng phát
triển các ngành, lĩnh vực mới trên thế giới, để có các giải pháp phát
triển sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời nâng cao chất lượng, sức cạnh
tranh của sản phẩm, dịch vụ đang có trên thị trường quốc tế; (ii) cơ cấu
lại có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt
động của doanh nghiệp phù hợp tình hình mới và tương xứng với nguồn lực
nắm giữ; (iii) đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa
dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia tích cực, hiệu
quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần
hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.
2. Bộ Tài
chính chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam và các bộ, cơ quan liên quan đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cải
thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, báo
cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 6 năm 2025.
3. Đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam: (i) Tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện và thúc đẩy
sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, là cầu nối giữa cộng đồng
doanh nghiệp với các cơ quan của Chính phủ; (ii) chủ động nắm bắt kịp
thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nghiên cứu độc
lập, khách quan về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để kiến
nghị với Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về pháp luật, chính sách, chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội; (iii) chủ động phối hợp chặt chẽ với
các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cải thiện môi trường
đầu tư kinh doanh và hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của kinh tế
tư nhân.
4. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao
theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ
tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền theo quy định./.