Tăng cường công tác quản lý, sử dụng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh
Ngày 15/4/2025, Sở Xây dựng ban hành Công văn số 1965/SXD-QLCL gửi
các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị tăng
cường công tác quản lý, sử dụng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn
tỉnh.
Công
văn nêu rõ: Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong khai thác, sử dụng công trình
xây dựng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, chủ thể
quản lý, sử dụng công trình, Sở Xây dựng đề nghị các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
UBND các huyện, thành phố, thị xã; các chủ quản lý, sử dụng công trình và các
tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ công tác bảo trì
công trình xây dựng được hướng dẫn theo quy định của Chính phủ. Tăng cường quản
lý chặt chẽ tài sản được đầu tư xây dựng (ĐTXD) nói chung và tài sản được đầu
tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước nói riêng. Định kỳ rà soát, kiểm kê danh mục
tài sản để quản lý, sử dụng và thực hiện duy trì, bảo dưỡng hiệu quả, đúng quy
định, tránh thất thoát, hạn chế hư hỏng tài sản. Có quy chế sử dụng và phân
công nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức, cá nhân có theo dõi, quản lý sử dụng tài sản
được ĐTXD bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Rà
soát, hoàn thiện, bảo quản hồ sơ quản lý chất lượng công trình, thiết bị đầy
đủ, đúng quy định; bổ sung, hoàn thiện phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây
dựng (bắt buộc đối với công trình từ cấp II trở lên) và thực hiện quy trình, kế
hoạch được phê duyệt; thường xuyên kiểm tra tình trạng công trình, đặc biệt đối
với các công trình tập trung đông người, ảnh hưởng lớn tới an toàn, lợi ích
cộng đồng.
Đối
với các vị trí, khu vực nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, thực hiện
kiểm tra cấu tạo song lan can, kích thước an toàn (chiều cao, khe hở, …), mối
liên kết, đối chiếu với các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, khai thác để đảm
bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu phát hiện có hư hỏng hoặc có dấu hiệu
nguy hiểm không đảm bảo an toàn thì phải kịp thời khắc phục, sửa chữa ngay
trước khi tiếp tục sử dụng. Đối với các công trình phát hiện mất an toàn kết
cấu chịu lực cần phải thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực để kiểm định chất
lượng công trình trước khi tiếp tục sử dụng.
Cùng
với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người sử dụng; kiểm tra,
phổ biến, quán triệt các quy định về an toàn sử dụng điện và các biện pháp
phòng cháy, chữa cháy trong quá trình khai thác, sử dụng. Không bố trí các vật
dụng, đồ dùng dễ bắt lửa gần các vị trí gần nguồn lửa hoặc dễ phát sinh chập
điện, cháy, nổ. Đối với các khu vực nguy hiểm cần phải bố trí biển báo, biển
cấm hạn chế tiếp cận.
Tại
Công văn này, Sở Xây dựng cũng lưu ý, đối với các công trình khi có nhu cầu đề
xuất chủ trương, thiết kế cải tạo, sửa chữa bằng vốn ngân sách nhà nước, không
đề xuất chủ trương cải tạo, sửa chữa đối với các công trình, hạng mục công
trình khi công trình đó chưa được nghiệm thu, phê duyệt quyết toán. Tổ chức rà
soát, khảo sát, đánh giá kỹ tình trạng chất lượng công trình; xác định rõ mục
tiêu, phạm vi công việc và sự cần thiết phải thực hiện; ưu tiên đối với các
công trình, hạng mục có dấu hiệu xuống cấp kết cấu chịu lực chính, kết cấu bao che
công trình, thấm dột, các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình, mất
an toàn giao thông,…
Đồng
thời, các giải pháp cải tạo phải sát với tình trạng kỹ thuật của từng hạng mục
công trình, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công
trình khi thực hiện cải tạo cũng như sau hoàn thành đưa vào sử dụng; lựa chọn
các loại vật liệu phổ biến trên thị trường, có sẵn tại địa phương phù hợp với
mục đích sử dụng và điều kiện khí hậu, môi trường; sàng lọc, rà soát để có kế hoạch
tận dụng, tái sử dụng vật tư còn tốt (nếu có) nếu vẫn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật;
thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục về quản lý tài sản công khi thực hiện cải tạo,
sửa chữa công trình.
T.H (tổng hợp)