Sẽ ban hành Quy chế mới về quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Sở Công thương đang
tham mưu xây dựng và tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo
Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn
tỉnh.
Theo dự thảo Quy chế, việc quản lý, phát triển đối với cụm công
nghiệp thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các sở, ngành
và Ủy ban nhân dân cấp huyện; không chồng chéo nhiệm vụ, không làm giảm vai
trò, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan.
Tùy theo tính
chất, nội dung công việc, trong quá trình thực hiện cơ quan chủ trì quyết định
hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết công việc. Trong đó, cơ
quan chủ trì: Tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến tham gia của các cơ quan phối hợp
và ghi nhận kết quả bằng biên bản hoặc bằng kết luận làm việc; hoặc gửi hồ sơ,
tài liệu liên quan xin ý kiến đến các cơ quan phối hợp để tổng hợp.
Các cơ quan phối
hợp có trách nhiệm tham gia góp ý tại cuộc họp và chịu trách nhiệm về ý kiến
góp ý của mình. Trường hợp cơ quan phối hợp không thể tham dự cuộc họp thì gửi
ý kiến bằng văn bản đến cơ quan chủ trì. Nếu không có ý kiến thì cơ quan phối
hợp phải chấp hành nội dung kết luận của cuộc họp. Khi được hỏi ý kiến, cơ quan
phối hợp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 07 (bảy)
ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị. Trường hợp được đề nghị nhưng cơ
quan phối hợp không có ý kiến thì được xem là đồng ý và phải chịu trách nhiệm
về nội dung được đề nghị phối hợp.
Căn cứ vào kế
hoạch, chương trình hoạt động liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với
cụm công nghiệp do các cơ quan quản lý chuyên ngành lập hoặc được giao hàng
năm, cơ quan quản lý chuyên ngành thông báo nội dung để Sở Công Thương tổng hợp
làm cơ sở bố trí phối hợp thực hiện quản lý cụm công nghiệp trong năm. Đối với
các chương trình công tác đột xuất, các cơ quan chuyên ngành thông báo với Sở
Công Thương, UBND cấp huyện để phối hợp thực hiện.
Đối với thủ tục
liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa
cháy trong cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND
cấp huyện, sau khi giải quyết xong, cơ quan chủ trì gửi 01 bản kết quả về Sở
Công Thương để theo dõi thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện các nội
dung quản lý, gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách
về cụm công nghiệp, phương án phát triển cụm công nghiệp; Điều chỉnh phương án
phát triển cụm công nghiệp; Thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; điều chỉnh, bãi
bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; Xử lý thành lập cụm công
nghiệp có trong phương án phát triển cụm công nghiệp hình thành trước Quyết
định số 105/2009/QĐ-TTg.
Cùng với đó,
phối hợp quản lý việc lập, phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết cụm công
nghiệp, chấm dứt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Thực hiện các
thủ tục về môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
Thu hồi đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Tiếp
nhận và thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường đối với
các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp; Quản lý các dịch vụ
công cộng, tiện ích, hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác thông tin báo cáo;
Công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối với từng nội
dung, Quy chế quy định cụ thể trách nhiệm của từng Sở, ngành, đơn vị, địa
phương liên quan.
Mời độc giả xem
toàn văn dự thảo Quyết định ban hành Quy chế quản lý cụm công
nghiệp trên địa bàn tỉnh và tham
gia góp ý.