Nghệ An triển khai trồng rừng theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp
huyện biên giới Kỳ Sơn đến năm 2030, Nghệ An bắt đầu triển khai trồng rừng
gắn với sinh kế cho người dân.
Tạo
sự đổi thay ở thôn, bản
Kẹo Lực 3 là một trong 2 bản của xã
Phà Đánh hiện đang thực hiện trồng cây dổi, cây phang và các cây dược liệu ba
kích, sa nhân tím. Đây là những loài cây lần đầu tiên được trồng trên nương rẫy
của người dân nơi đây.
Bí thư Chi bộ bản Kẹo Lực 3 Kha Văn
Tuấn cho biết, từ bao đời nay, người dân Kẹo Lực chủ yếu sống dựa vào sản xuất
nông nghiệp, trồng lúa rẫy và chăn nuôi trâu, bò, lợn. không phải ai cũng hiểu
được ý nghĩa và lợi ích lâu dài của việc trồng cây gây rừng. Bởi vậy, khi các
cấp chính quyền vận động bà con trồng cây dổi và các cây dược liệu trên nương
rẫy, đã có không ít nghi ngại.
Người dân bản Kẹo Lực 3, xã Phà Đánh phát dọn thực bì để
chuẩn bị trồng cây dổi. Ảnh: Hoài Thu
Tuy nhiên, khi hiểu được lợi ích của
trồng rừng, không chỉ tạo nguồn lợi sinh kế lâu dài của gia đình, mà còn giúp
phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần chống xói mòn, sạt lở. Khi có cây, có
rừng, việc chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai cũng giúp cho đời sống
của chính dân bản được an toàn, trong lành hơn. Bởi vậy, ông Tuấn cho biết, 10
hộ dân có nương rẫy của bản Kẹo Lực đều đồng ý ủng hộ trồng cây.
Quảng Cáo
“Bắt đầu từ tháng 10/2024, ban cán
sự bản cũng như các hộ dân đã bắt tay vào phát dọn nương, đào hố và trồng cây.
Có sự hỗ trợ của các chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động nên việc trồng cũng
khá nhanh, hiện đã đào xong hố của 7ha và trồng cơ bản phủ kín cây dổi với mật
độ khoảng 1.000 cây/ha. Chỉ còn vài hộ hiện đang chờ cây giống để hoàn thành
diện tích dự kiến”, ông Kha Văn Tuấn cho biết.
Nói thêm về sự đổi thay ở thôn bản,
đổi thay trong nhận thức của người dân khi chuyển đổi nương rẫy sang trồng
rừng, ông Cụt Văn Thê - Phó Chủ tịch UBND xã Phà Đánh cho biết, hiện nay, lực
lượng lao động trẻ ở xã hầu như đã đi làm ăn xa. Ở thôn, bản hiện nay chủ yếu là
người lớn tuổi, trẻ em, học sinh đi học nên việc làm nương rẫy cũng hạn chế.
Bên cạnh đó, chăn nuôi trâu, bò mấy năm nay chững lại. Vì vậy, chủ trương trồng
rừng rất hợp lý, được người dân đồng thuận ủng hộ, bởi đã tạo nguồn sinh kế lâu
dài, bền vững. Dự kiến cây dổi sẽ cho thu hoạch sau 10 - 15 năm; cây ba kích,
sa nhân tím sẽ cho thu hoạch sau 2-3 năm, mang lại thu nhập dưới tán rừng, hình
thành các vùng rừng gỗ lớn được bảo vệ bền vững.
Ông Cụt Văn Thê cho biết thêm, tại
xã Phà Đánh hiện đang triển khai trồng cây dổi, ba kích, sa nhân tím tại hai
bản Kẹo Lực 3 và Phà Kháo, thuộc mô hình thí điểm Chương trình trồng rừng gắn
với cải thiện sinh kế cho người dân, hướng đến mục tiêu bảo tồn nguồn nước và
hấp thụ, trung hòa carbon. Tại bản Kẹo Lực 3 cơ bản đã hoàn thành, và hiện đang
tập trung triển khai ở bản Phà Khốm.
Hướng
phát triển bền vững
Không chỉ ở xã Phà Đánh, theo ghi
nhận của chúng tôi, hiện nay ở các địa phương khác của huyện Kỳ Sơn, việc lực
lượng lao động trẻ đi làm ăn xa là phổ biến. Theo đó, việc sản xuất nương rẫy,
phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương có chiều hướng giảm dần do không có
nhân lực. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, lũ quét, nắng hạn
ngày càng khốc liệt, diễn biến phức tạp, khôn lường, đặc biệt là các địa phương
vùng cao. Bởi vậy, phát triển kinh tế gắn với chống biến đổi khí hậu, phát
triển kinh tế xanh, trồng cây gây rừng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong duy
trì sự an toàn, bền vững cho cuộc sống con người.
Những địa bàn có mật độ rừng núi, có
diện tích rừng lớn như ở huyện Kỳ Sơn nói riêng, các huyện miền Tây nói chung,
phát triển kinh tế theo hướng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng,
góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là hướng
đi phù hợp, cấp thiết.
Tại Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ
Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2023, tầm nhìn đến năm
2045 cũng đã khẳng định hướng đi này.
Nghị quyết nêu: “Phát triển hài hoà
giữa các vùng, miền, giữa kinh tế với văn hoá - xã hội, giữa kinh tế với bảo vệ
môi trường, nhất là hệ sinh thái rừng, biển, đảo, chủ động phòng, chống thiên
tai và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế gắn với
bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ
vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Phát triển ngành nông nghiệp
theo hướng bền vững, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải
khí metan trong sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản
phẩm chủ lực và vùng sinh thái để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn,
ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Phát
triển rừng cùng với thị trường tín chỉ cacbon; chú trọng phát triển sản xuất
lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu…
Thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW, tỉnh
Nghệ An đã ban hành Kế hoạch hành động. Theo đó, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành
đã có nhiều cuộc làm việc, kết nối các cấp, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng
đã có nhiều cuộc thăm, làm việc tại Nghệ An để khảo sát và triển khai các
chương trình, kế hoạch hỗ trợ. Một trong số đó là Kế hoạch Hỗ trợ phát triển
kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Cụ thể, ngày 26/7/2024, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN phê duyệt
Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh
Nghệ An đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu phát triển rừng bền
vững, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, góp phần bảo
vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc
phòng - an ninh trên địa bàn thông qua các hoạt động hỗ trợ: phục
hồi rừng; nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi
trường rừng; phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán
rừng; nghiên cứu, hỗ trợ các cơ sở cung cấp giống cây trồng có
chất lượng tốt, năng suất, giá trị cao.
Ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, một trong các nội
dung Quyết định 2561 đang được triển khai ở Kỳ Sơn, tại các bản Kẹo Lực 3 và
Phà Khốm, xã Phà Đánh. Cụ thể là kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm Chương
trình trồng rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân hướng đến mục tiêu bảo
tồn nguồn nước và hấp thụ, trung hòa carbon” tại Kỳ Sơn.
Mô hình được thực hiện dựa trên Thỏa
thuận Hợp tác giữa Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT và Công ty TNHH Nước
giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) được ký kết vào ngày 11/07/2024; Thỏa
thuận hợp tác giai đoạn 2024-2026 giữa doanh nghiệp này với Cục Lâm nghiệp và
Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Đây
là một trong những nội dung thiết thực, nhanh chóng được triển khai sau khi Kế
hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ
An đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Nguồn: Báo Nghệ An (15/102024).