Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương
Trong năm 2024, khu vực kinh tế tập thể
(KTTT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng, ngày
càng thể hiện vai trò trong việc phát triển kinh tế hộ thành viên, giải quyết
việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, góp phần thực hiện tốt công
tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Trên địa bàn tỉnh, đã
hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh
giỏi, hỗ trợ tốt kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người
lao động.
Các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số là
“bà đỡ” trong tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động
Từ đầu năm
2024 đến nay, tình hình phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự
chuyển biến tích cực về cả chất và lượng, thể hiện vai trò quan trọng khu vực
này đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh nói chung và khu vực nông
thôn nói riêng.
Một số HTX đã
xây dựng được mô hình HTX kiểu mới, phát triển sản xuất kinh doanh đa ngành, đa
lĩnh vực; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; liên kết sản xuất
theo chuỗi giá trị như: HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành; HTX nông
nghiệp Minh Thành, huyện Yên Thành; HTX dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp Hương Sơn, huyện Kỳ Sơn; HTX nông nghiệp Quyết Tiến, xã Công Thành; HTX NN&PTNT
xã Văn Thành; HTX dược liệu Quỳ Hợp; HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường; HTX nông
nghiệp Hùng Thanh;...
Ngoài ra,
trên địa bàn tỉnh còn có một mô hình HTX ứng dụng công nghệ thông tin, khai
thác các trang mạng xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh; HTX đầu tư xây
dựng cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, da dạng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng
tại địa phương và cung ứng sản phẩm ra thị trường ngoại tỉnh; HTX đầu tư về hạ
tầng, mở rộng dịch vụ ngành nghề phục vụ du lịch,...
Các HTX vùng
đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát huy được vai trò là “bà đỡ” cho thành
viên trong việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao
động.
Ảnh minh hoạ
Thực tiễn cho
thấy, tham gia KTTT, HTX là giải pháp tốt để khắc phục tình trạng sản xuất manh
mún, nhỏ lẻ và tập trung nguồn lực, đặc biệt là tập trung đất đai dễ sản xuất. KTTT,
HTX giúp thu nhập của người lao động được cải thiện, tác động tích cực đến kinh
tế hộ thành viên; góp phần đáng kể trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ
cấu kinh tế và lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thiết lập mô
hình kinh tế và quan hệ sản xuất mới ở nông thôn.
Ở những địa
bàn có HTX hoạt động khá, ngoài việc đóng góp có hiệu quả cho kinh tế địa
phương, quan hệ giữa chính quyền với nhân dân đoàn kết, gắn bó, các chủ trương,
chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được triển khai thuận lợi, đạt
hiệu quả cao.
Mặc dù khu
vực KTTT, HTX có sự tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững, một số chỉ tiêu dự
kiến khó đạt theo kế hoạch đề ra gây sức ép đến việc hoàn thành các mục tiêu kế
hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025. Số lượng các HTX tiếp cận
chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế do thiếu nguồn kinh phi hỗ trợ, nên
công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ chưa đạt hiệu quả cao. Quá
trình chuyển đổi số khu vực KTTT, HTX diễn ra chậm, hầu hết các HTX chưa có kế
hoạch, định hướng về chuyển đổi số.
Nghiên cứu phát triển các mô hình HTX, gắn
với sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin
Năm 2025, UBND
tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT để
triển khai và tổ chức thực hiện. Tổng kết Đề án tiếp tục đổi mới và phát triển HTX
tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng chương trình phát triển kinh tế tập thể
giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với đặc thù của địa phương.
Cùng với đó,
tổng kết, nhân rộng mô hình các HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân
rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX (nhất là Luật
HTX năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành) nhằm nâng cao nhận thức của
người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát
triển KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (đặc biệt là tuyên
truyền và nhân rộng các mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả).
Tiếp tục xây
dựng mô hình HTX kiểu mới, HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nghiên cứu
phát triển các mô hình HTX, gắn với sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc,
minh bạch thông tin; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững.
Xử lý dứt
điểm các HTX ngừng hoạt động lâu năm chờ giải thể theo quy định. Tăng cường
công tác kiểm tra, giám sát công tác phát triển KTTT, HTX tại các địa phương;
kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các mô mình KTTT, HTX hoạt động
hiệu quả.
Đến ngày 31/10/2024,
toàn tỉnh có 925 HTX, 3.120 Tổ hợp tác (thành lập mới 85 Tổ hợp tác) với
8.680 thành viên. Năm 2024, doanh thu bình quân của một HTX đạt khoảng 2.000
triệu đồng, lãi bình quân đạt khoảng 180 triệu đồng, thu nhập bình quân của
người lao động đạt khoảng 48,3 triệu đồng; doanh thu bình quân của một Liên
hiệp HTX đạt khoảng 3.200 triệu đồng, lãi bình quân đạt khoảng 90 triệu đồng,
thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 40 triệu đồng; doanh thu
bình quân của một Tổ hợp tác đạt khoảng 408 triệu đồng, lãi bình quân đạt
khoảng 50 triệu đồng.
|
Kim Oanh (T/h)
(Nguồn: Báo cáo số 870/BC-UBND ngày 14/11 về
công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025 về kinh
tế tập thể)