Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hỗ trợ
nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, cùng với chính
sách của Trung ương, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chủ động ban hành nhiều
chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và cân
đối bố trí nguồn lực thực hiện hàng năm. Trong năm 2023, phát triển nông
nghiệp, nông thôn tỉnh có bước tăng trưởng khá và bền vững; cơ cấu cây trồng,
vật nuôi, mùa vụ tiếp tục chuyển đổi mạnh, ứng dụng công nghệ cao; công tác bảo
vệ thực vật, thú y được đảm bảo thường xuyên; năng suất, chất lượng, hiệu quả
kinh tế nhiều loại cây trồng, vật nuôi tăng khá.
Triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân
phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và đạt được nhiều kết quả
Căn cứ vào các Đề án,
chương trình đã ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các nghành có liên quan
phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp hỗ
trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và đạt được
nhiều kết quả. Công tác dự tính, dự báo, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại
được thực hiện tốt, kết hợp với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giảm chi
phí và tổn thất sau thu hoạch, nên hiệu quả được nâng lên (tổng diện tích gieo
trồng cây hàng năm khoảng 344.225 ha).
Nhờ thực hiện tốt các
chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi; công tác kiểm dịch, kiểm
soát giết mổ; kiểm tra chất lượng giống chăn nuôi, chất lượng các loại thức ăn,
thuốc thú y, các chất cấm dùng trong chăn nuôi; công tác xử lý môi trường chăn
nuôi được chú trọng... nên sản xuất chăn nuôi phát triển khá về số lượng tổng
đàn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng (tổng đàn trâu bò khoảng 801 nghìn con;
tổng đàn lợn 1.002 nghìn con; tổng đàn gia cầm 34.760 nghìn con).
Cùng với đó, tỉnh đã tổ
chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án phát triển công
nghệ cao trong chế biến gỗ, sản xuất giống cây lâm nghiệp. Người dân vùng miền
núi đã có thu nhập khá, nhiều hộ đã thực sự làm giàu từ nghề rừng... Dịch vụ
môi trường rừng đã khẳng định vai trò, nguồn tài chính quan trọng trong công
tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh. Trong năm 2023, nguồn thu ước
đạt trên 147 tỷ đồng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát
triển rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giải quyết khó
khăn về kinh phí hoạt động của các chủ rừng.
Sản xuất thủy sản tập
trung giải quyết khó khăn cho ngư dân, phát triển đánh bắt xa bờ, tập trung các
biện pháp khắc phục thẻ vàng Châu Âu (IUU); sản lượng thủy sản, năng suất nuôi
trồng thủy sản đạt khá (tổng sản lượng thủy sản cả năm 2023 đạt 277.958/KH
255.000 tấn, đạt 109% so với kế hoạch, trong đó sản lượng nuôi trồng 70.789
tấn).
Sản xuất muối được quan
tâm hỗ trợ đầu tư, năng suất, chất lượng tăng khá (diện tích sản xuất muối hiện
có 590 ha, năng suất bình quân đạt 115,0 tấn/ha, sản lượng muối cả năm ước đạt
67,85 nghìn tấn. Diện tích áp dụng công nghệ trải bạt nilon ô kết tinh được mở
rộng, nên năng suất, chất lượng muối được nâng cao).
Công tác thủy lợi được
đảm bảo, phục vụ tốt sản xuất và dân sinh; tích cực, chủ động công tác phòng
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Công
tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo chủ động, hạn chế thấp
nhất thiệt hại cho người dân.
Chương trình Nước sinh
hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn được xã hội hóa mạnh mẽ. Đến nay, chỉ tiêu
về tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,65/KH 88,65%.
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được
quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất và dân
sinh
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực
hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển vùng nguyên liệu gắn với
chế biến và tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Sau dồn điền đổi thửa, thông qua các chính sách hỗ trợ, các chương trình, dự án
và người dân tự đầu tư, toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn máy nông nghiệp các loại,
các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa nhanh góp phần tăng năng suất, chất lượng
sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới (NTM)
và các chương trình phát triển nông thôn khác tiếp tục được triển khai hiệu
quả, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng
cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tổng nguồn vốn huy động,
lồng ghép thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2023 là 14.454.436 triệu
đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 320 xã/411 xã đạt chuẩn NTM, đạt 96,67% kế hoạch,
101 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 09 đơn vị cấp
huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 01 huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình
Trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn (đạt 81,81%); bình quân tiêu chí
cả tỉnh là 17.20 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là
40,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,4% so với năm 2022; tỷ lệ
người dân tham gia BHYT ước đạt 93%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng
nước hợp vệ sinh đạt 88,65%.
Đến nay, toàn tỉnh có
688 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó có 445
HTX hoạt động có hiệu quả chiếm 64,68% số HTX được đánh giá xếp loại. Tổng giá
trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản trong năm 2023 đạt trên 562/KH399 triệu
USD...
Ngoài ra, tỉnh thực hiện
tốt công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thực hiện
tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của
tỉnh. Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, an toàn vệ sinh thực
phẩm được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Hoạt động khoa học kỹ
thuật, công nghệ, công tác khuyến nông và đào tạo nguồn nhân lực được triển
khai tích cực, đạt nhiều kết quả, phục vụ tốt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông
nghiệp.
Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát
triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững
Trong thời gian tới,
tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và bảo vệ môi trường
theo hướng hiệu quả, bền vững. Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm
sản phẩm chủ lực và vùng sinh thái của tỉnh để hình thành các vùng sản xuất
hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; thúc đẩy liên
kết, hợp tác theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả,
giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, tiếp tục
triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM theo hướng hiện đại, phát
triển toàn diện, bền vững, gắn với đô thị hóa; bảo đảm thực chất, hiệu quả, đi
vào chiều sâu; tổ chức thực hiện tốt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”
(OCOP). Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm
tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của
ngành nông nghiệp. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh
doanh trong nông nghiệp. Phát triển thị trường, bảo đảm đầu ra cho nông sản…
Kim Oanh (T/h)