Đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản

Tại Văn bản số 4380/UBND-NN ngày 20/5/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với và các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ Thông báo số 196/TB-BNNMT-VP ngày 13/5/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia Ngành Nông nghiệp và Môi trường” để triển khai thực hiện; tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Anh-tin-bai
Nông dân huyện Anh Sơn liên kết sản xuất chè nguyên liệu cho nhà máy. (Ảnh ST)

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được của Ngành Nông nghiệp và Môi trường, tại Thông báo số 196/TB-BNNMT-VP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị toàn Ngành Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan, đơn vị, các địa phương tiếp tục tập trung, phối hợp chặt chẽ triển khai các nhiệm vụ. Đó là tập trung tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để rà soát, sửa đổi, đề xuất bãi bỏ những quy định không còn phù hợp về ngân sách, đầu tư công, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Bổ sung cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ở khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân. Sớm hình thành quỹ phát triển khoa học, công nghệ của Ngành Nông nghiệp và Môi trường để chủ động nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Có cơ chế linh hoạt trong đặt hàng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu để áp dụng rộng rãi vào thực tiễn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia thuộc Ngành Nông nghiệp và Môi trường theo hướng hội nhập, hài hòa hóa với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhất là thị trường các nước phát triển.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của Ngành, tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nhằm gia tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản; cần lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để đầu tư nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra sự phát triển đột phá của Ngành như: Công nghệ sinh học, công nghệ gen, lựa chọn giống, sản xuất vắc - xin, công nghệ nuôi biển, quy trình canh tác thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp số…

Tập trung nghiên cứu các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là tài nguyên đất, nước, khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chiến lược. Các giải pháp về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường tại các đô thị, khu công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề, khu chăn nuôi tập trung; phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi thông minh; các công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại về dự báo, cảnh báo, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ của Ngành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tự chủ thực chất; xây dựng các đơn vị nghiên cứu có năng lực cạnh tranh, có đối tác xã hội hóa, có khả năng kết nối doanh nghiệp, mang tính tổng thể với tầm nhìn trung hạn và dài hạn; thúc đẩy mô hình “Vườn ươm đổi mới sáng tạo”, kết nối công nghệ, thành lập mạng lưới chuyên gia Ngành Nông nghiệp và Môi trường trong và ngoài nước. Đổi mới toàn diện quy trình đặt hàng, xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Theo đó, áp dụng cơ chế đấu thầu, đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh, áp dụng cho cả khu vực công và khu vực tư. Đặc biệt, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, từ thực tiễn đời sống, sản xuất, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; xem xét các danh mục “đặt hàng mở” để huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể mà không phân biệt khu vực công - tư.

Tập trung đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các viện nghiên cứu, trường đại học để xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn phát triển. Có cơ chế thu hút, khuyến khích đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức giỏi trong nước và quốc tế, đặc biệt phát huy được vai trò, sự tham gia của đội ngũ nhân lực làm khoa học, công nghệ từ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, hiệp hội để tạo nên một hệ sinh thái nhân lực năng động, sáng tạo, gắn bó với hoạt động khoa học, công nghệ và sự phát triển của Ngành.

Tập trung thực hiện chuyển đổi số toàn diện và thực chất, không chỉ là số hóa thông tin mà đẩy mạnh xây dựng các nền tảng quản trị dữ liệu dùng chung, bản đồ số chuyên ngành và các hệ thống dự báo, cảnh báo thông minh. Kết nối liên thông, đồng bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, viễn thám với dữ liệu sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho thiết kế, vận hành quy trình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, cũng như hỗ trợ ra quyết định trong quản lý chỉ đạo, điều hành. Nghiên cứu mô hình sàn giao dịch công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp - môi trường, nơi kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư…

Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ các quy định, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham mưu chỉ đạo, xây dựng và triển khai các nội dung, nhiệm vụ về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Ngành Nông nghiệp và Môi trường tại địa phương. Chủ động phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong sản xuất, chỉ đạo điều hành Ngành Nông nghiệp và Môi trường tại địa phương.

H.B (tổng hợp)

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập