Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản

Sáng 30/6, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khai thác thủy sản. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hoàng Mai, Cửa Lò; các Nghiệp đoàn nghề cá và một số ngư dân tham gia khai thác trên biển.

Anh-tin-bai

Quang cảnh cuộc họp

104 chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67

Anh-tin-bai

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Học báo cáo kết quả khai thác thủy sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022

Với những tiềm năng sẵn có, cùng các chính sách hỗ trợ, sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của người dân có thể nói trong những năm qua, kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản của tỉnh nói riêng có những bước phát triển khá, đáng ghi nhận. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến cuối năm 2021: Nông nghiệp 77,52%, lâm nghiệp 6,17%, ngư nghiệp 16,31%. Tỷ trọng của ngành khai thác trong ngành thủy sản chiếm 63,64%.

Tổng số tàu cá toàn tỉnh đến ngày 20/6/2022 có 3.422 tàu, trong đó nghề lưới Rê 1.621 tàu, nghề lưới Chụp 589 tàu, nghề lưới Vây, xăm 160 tàu, nghề lưới Kéo 704 tàu, nghề khác 348 tàu. Tổng số lao động khai thác hải sản toàn tỉnh 17.014 người.

Tính đến 31/12/2021, tổng số tàu đã đăng kiểm là 1.642 chiếc/1.724 chiếc thuộc diện đăng kiểm, đạt 95,28%, bằng 95,61% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 06 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện đăng kiểm được 592 chiếc, đạt 103,73 % so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến 31/12/2021, số tàu thuộc diện phải cấp Giấy phép khai thác thủy sản là 2.520 tàu cá, số tàu cá đã cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn là 2.183 tàu (đạt 86,63%); còn lại 337 tàu nằm bờ, chưa cấp phép. Trong 06 tháng đầu năm 2022, tổng số giấy phép khai thác thủy sản đã cấp còn hạn là 2.107/2.525 tàu, đạt 83,44%.

Về cấp chứng nhận an toàn thực phẩm trên tàu cá, tính đến 31/12/2021, đã cấp 1.124/1.182 cơ sở (trong đó 1.121 tàu cá và 03 cảng cá), đạt 95,09% so với tổng số cơ sở phải cấp, thẩm định định kỳ 551cơ sở. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, đã thẩm định định kỳ an toàn thực phẩm cho 405 cơ sở (403 tàu cá và 02 cảng cá), đạt 67,5% so với kế hoạch.

Tính đến ngày 30/4/2022, trên địa bàn Nghệ An đã triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67 đối với 104 chủ tàu, với tổng số tiền đã giải ngân là 859,999 tỷ đồng. Đến ngày 20/6/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 807 tàu đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác trên các vùng biển xa, đã niêm phong máy VX1700 cho 339 tàu cá (ước đạt 93,64% so với cùng kỳ năm 2021), tháo niêm phong cho 85 tàu cá (ước đạt 837,5% so với cùng kỳ năm 2021); dự kiến năm 2022 sẽ hỗ trợ 550 tàu, với số tiền hơn 202 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện các chính sách của địa phương, năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ 22 máy Thông tin tầm xa cho 22 tổ hợp tác khai thác thủy sản với số tiền 715 triệu đồng; hỗ trợ thả 4,1 tấn cá, tôm các loại tái tạo nguồn lợi, với kinh phí 350 triệu đồng tại đập Quản Hài, huyện Yên Thành và đập Cầu Cau, huyện Thanh Chương, thả tôm tại bờ biển xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc; hỗ trợ cước phí thuê bao giám sát hành trình cho 565 tàu, với số tiền 681.600.000 đồng.

Năm 2022, hỗ trợ 01 máy thông tin tầm xa có tích hợp vệ tinh cho mỗi tổ hợp tác khai thác thủy sản, nhưng không quá 35.000.000 đồng/máy/tổ hợp tác, dự kiến hỗ trợ 22 máy. Hỗ trợ chi phí lắp đặt hệ thống tời thủy lực: Hỗ trợ 30% chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống tời thủy lực cho tàu cá nghề lưới chụp, nhưng không quá 100.000.000 đồng/hệ thống/tàu; dự kiến hỗ trợ 05 mô hình. Dự kiến thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các đập ở huyện Quế Phong và huyện Nghi Lộc…

Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế chính sách thu mua bao tiêu hàng hải sản cho ngư dân

Anh-tin-bai

Đại diện UBND xã Tiến Thủy phát biểu

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương báo cáo những khó khăn, tồn tại trong thực hiện khai thác thủy sản. Đó là, khai thác hải sản trong thời gian gần đây hiệu quả không cao, nhiều tàu nằm bờ, chờ bán hoặc giải bản, giá hải sản không tăng; công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác, bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản chưa được quan tâm đúng mức, tổn thất sau thu hoạch đang còn ở mức cao. Cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá còn thiếu, các cửa lạch bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn. Nhiều tàu cá bị tai nạn rủi ro khi hoạt động trên biển đã hoàn tất hồ sơ đề nghị bồi thường nhưng đến nay chưa được các Công ty Bảo hiểm giải quyết bồi thường theo quy định; tình trạng tranh chấp pháp lý kéo dài...

Các đại biểu đề nghị Trung ương, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giá nhiên liệu cho các tàu cá tham gia khai thác hải sản; đề nghị UBND tỉnh thực hiện Quyết định 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tại trên biển như hỗ trợ cho các phương tiện tàu thuyền của ngư dân đi tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trên biển; chỉ đạo Tổ công tác liên ngành tăng cường công tác tuần tra xử lý các tàu cá vi phạm như dã cào, kích điện...

Một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh có cơ chế chính sách thu mua bao tiêu hàng hải sản cho ngư dân; thay đổi mức hỗ trợ theo Nghị định 18/2021 ngày 19/2/2021 của HĐND tỉnh về mức hỗ trợ cho các tàu lắp tời thủy lực được hỗ trợ không quá 30% lên 60% cho phù hợp với tình hình khai thác hiện nay để ngư dân mạnh dạn đầu tư; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều theo Quyết định 48/2020 của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị hỗ trợ tiền nhiên liệu mỗi chuyến khai thác vùng biển xa từ 100 triệu lên 150 triệu/chuyến; đề nghị UBND tỉnh bãi bỏ Quyết định số 82/2016 ngày 20/12/201 về giá dịch vụ sử dụng cảng cá vì tại các cảng ở một số tỉnh, thành khác không thu phí giá dịch vụ. Đồng thời, quan tâm đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng, nâng cấp cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, kè chắn cát, nạo vét luồn lạch tại một số cửa lạch trọng điểm...

Một số đại biểu cũng đề nghị các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khi thực hiện hợp đồng bán bảo hiểm phải theo Nghị định 67; đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại gia hạn, giản nợ, khoanh nợ cho các chủ tàu khi nghề biển mất mùa hoặc khi thiên tai bão, gió không đi khai thác được. Hiện nay, các chủ phương tiện tàu thuyền vay theo Nghị định 67, do khai thác không hiệu quả dẫn đến việc trả nợ ngân hàng quá hạn, nên các ngân hàng chuyển sang lãi suất không ưu đãi 7%/năm, đề nghị các ngân hàng duy trì lãi suất 3%/năm như trước đây.

Điều chỉnh cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi tiến tới khai thác thủy sản bền vững

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong khai thác thủy sản, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác thủy sản, cần có chính sách động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền về Luật khai thác Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật... để người dân nắm bắt được Luật, khai thác đi đôi với bảo về nguồn lợi thủy sản, giảm và chuyển nghề khai thác có tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, động viện bà con ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiếp tục vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đồng thời, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; đôn đốc chỉ đạo quyết liệt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá theo quy định; thường xuyên rà soát, cập nhật số lượng tàu cá địa phương vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại cho vay theo Nghị định số 67/2014.NĐ-CP; tổ chức làm việc trực tiếp với các chủ tàu thuộc nhóm nợ xấu để đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế của chủ tàu, tham mưu biện pháp xử lý cụ thể. Xây dựng lộ trình giảm dần số lượng tàu cá khai thác hải sản vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi, điều chỉnh cường lực khai thác của các nghề để phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản bảo đảm tiến tới nghề khai thác thủy sản bền vững; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra đánh giá nguồn thủy sản, đánh giá nguồn lợi, môi trường sống của loài thủy sản để công tác dự báo ngư trường chính xác, hiệu quả; nhiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích phát triển thủy sản.

Các huyện, thị xã ven biển tiếp tục vận động ngư dân ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác bảo quản và chế biến hải sản để giảm chi phí nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản; phối hợp tốt với các ngân hàng thương mại trong việc thu hồi vốn vay, lãi suất tiền vay của các chủ tàu vay theo Nghị định 67; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng khi xử lý tài sản theo quy định của pháp luật...  

Kim Oanh

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập