Sáng 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Đồng chí Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An
Tập trung các nguồn lực, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh
Theo báo cáo tại hội nghị, trong hơn 8 tháng đầu năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh, thành phố đã rất quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19. Kết quả, đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển với tổng đàn hơn 515 triệu con gia cầm, 26,67 triệu con lợn, đàn bò tăng 1,8%, đàn trâu giảm 2,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả, tăng 5%.
Tính từ đầu năm đến ngày 31/8/2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 16.253 ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm 2020 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 39.438 ha); ngoài ra có khoảng 944 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất chăn nuôi, ngành chăn nuôi đã nhận định, đánh giá và đưa ra một số chỉ tiêu phát triển từ nay đến cuối năm 2021 và cho cả năm 2022. Cụ thể, một số chỉ tiêu chính để phát triển những tháng cuối năm 2021: Tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn; sản lượng trứng đạt khoảng 16 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).
Năm 2022, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng cường triển khai các nội dung, nhiệm vụ nhằm đạt được các mục tiêu chính, cụ thể: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5,5-6,0% so với năm 2021, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp (ngành hẹp) đạt mức 33-34%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 6,0 triệu tấn, tăng 5,5%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,8 triệu tấn tăng 5,1%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,58 triệu tấn tăng 5,7%; sản lượng trứng các loại khoảng 16,4 tỷ quả tăng 5,5%; sản lượng sữa đạt trên 1,32 triệu tấn tăng 5,5%; sản lượng mật ong là 27,5 ngàn tấn tăng 8,7%; sản lượng tổ yến đạt 120 tấn, tăng 17,6%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 22,5 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2021.
Tại Nghệ An, trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh trên động vật diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng, tình hình sản xuất, chăn nuôi vẫn có bước phát triển khá. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 193.766 tấn (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2020). Diện tích nuôi trồng thủy sản lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 21.383 ha; bằng 99,46% so với kế hoạch; tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 43.646 tấn; bằng 72,74% so với kế hoạch năm; tăng 7,23% so với cùng kỳ năm trước.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành thống nhất cao với quan điểm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Đó là tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật thú y và các Chương trình, Kế hoạch của quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật. Các địa phương đề nghị Trung ương xem xét, sớm phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 - 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030. Đồng thời nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định riêng biệt về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.
Các địa phương đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, hỗ trợ kinh phí trong việc phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu Phi năm 2021; hàng năm bổ sung chính sách hỗ trợ nguồn vắc xin Viêm da nổi cục và hóa chất đặc hiệu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), dự trữ quốc gia cấp cho các địa phương phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp khi cần thiết; xây dựng và ban hành Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò, giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai thực hiện; ban hành hướng dẫn công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh...
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi - “chìa khóa” để phát triển bền vững
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Đồng thời, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, đây được coi là “chìa khóa” để phát triển bền vững; tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác trong điều kiện có dịch COVID-19 và sau dịch; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc,...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Thú y tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vắc xin để tiêm phòng khẩn cấp chống dịch; chỉ đạo tổ chức nhập khẩu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm để đánh giá hiệu lực và cho phép lưu hành các loại vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục; cho phép sử dụng vắc xin để tiêm phòng chống dịch khẩn cấp, sau khi kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu về vô trùng, an toàn đối với những loại vắc xin Viêm da nổi cục nhập khẩu đã được phép lưu hành tại nước sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan thú y thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động sử dụng các hình thức phù hợp để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp, không để gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và công tác phòng chống dịch.
Các cơ quan thú y thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm, cá tra, một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, nuôi phổ biến và có giải pháp xử lý triệt để; về lâu dài, cần hướng tới xây dựng thành công cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh; tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại vùng nguồn nước cấp, trong ao nuôi trước khi thả nuôi và trong toàn bộ mùa vụ, tập trung vào các vùng nuôi trọng điểm để chủ động xử lý khi dịch bệnh xảy ra hoặc khi thời tiết có diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi.
Cùng với đó, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó, tạo môi trường thuận lợi cho thủy sản phát triển, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản; cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người nuôi các biện pháp, quy trình phòng chống dịch bệnh, xử lý triệt để mầm bệnh trong nguồn nước cấp; đồng thời, khuyến cáo người nuôi sử dụng con giống sạch bệnh hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh nguy hiểm; kết hợp với áp dụng các biện pháp an ninh sinh học tại cơ sở, các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để kiểm soát tốt các nguy cơ làm mầm bệnh xâm nhập vào cơ sở...
Kim Oanh