Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng được công nhận là Điểm du lịch
Tại Quyết
định số 1285/QĐ.UBND ngày 12/5, UBND tỉnh công nhận Điểm du lịch đối với Di
tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đức Hoàng tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành,
tỉnh Nghệ An.
UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Thành có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện
việc quản lý Điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đức Hoàng với
các nội dung. Cụ thể: Bảo vệ, giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch; tạo
điều kiện thuận lợi và an toàn cho du khách đến tham quan; đảm bảo trật tự, an
toàn xã hội, bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào
các hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông của
các phương tiện vận chuyển khách tham quan, du lịch.
Đền Đức Hoàng tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Ảnh St)
Cùng với đó, ban hành quy chế, nội quy quản lý
và khai thác Điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đức Hoàng theo
đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản có liên quan; xây dựng nội dung
thuyết minh, các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu nhằm phát huy giá trị Điểm du
lịch. Đồng thời, huyện Yên Thành cần khắc phục các tồn tại tại Biên bản thẩm
định ngày 28/4/2022 và duy trì những tiêu chí đã được thẩm định theo quy định
tại Quyết định số 4640/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch.
UBND tỉnh giao Sở Du lịch hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc, giám sát UBND huyện Yên Thành thực hiện các nội dung được giao trên;
thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch đối với Điểm du lịch Di tích lịch
sử văn hóa quốc gia đền Đức Hoàng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật
hiện hành.
Các Sở, ngành: Giao thông Vận tải, Tài nguyên
và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh; các
cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Yên
Thành triển khai thực hiện công tác quản lý Điểm du lịch theo quy định hiện
hành.
Theo sử sách xưa ghi lại rằng đền Đức
Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng vào năm 1505 để
phụng thờ các vị thần linh đã có công “Bảo Quốc hộ dân”, mà nhân vật trung tâm
đó là “Sát Hải Đại Vương” Hoàng Tá Thốn, một vị tướng có tài bơi lội và giỏi võ
nghệ đã có nhiều cống hiến lớn lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên
Mông xâm lược vào thế kỷ thứ XIII.
Đền Đức Hoàng tọa lạc trên một vùng đất
rộng, cao hướng ra “Linh đàm Diệu Ốc” hương sen tỏa sắc bốn mùa. Với nhiều lần
tu sửa trùng tu, tuy nhiên đền vẫn giữ nguyên trạng thái di tích gốc, đảm bảo
sự tôn kính thâm nghiêm. Đền Đức Hoàng có 3 tòa: Thượng, trung và hạ điện, quy
mô kiến trúc không lớn nhưng cổ kính, linh thiêng, trở thành nơi sinh hoạt văn
hóa tâm linh, đậm đà bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Nghệ.
PQ(tổng hợp)