image banner

image advertisement image advertisement

Rà soát, đánh giá một số nhiệm vụ chấm tiến độ, còn hạn chế trong thực hiện Đề án 06/CP

Chiều 24/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá một số nhiệm vụ chậm tiến độ, còn hạn chế và triển khai nội dung trọng tâm của Đề án 06/CP trong thời gian tới. Các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị

Thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến thực hiện Đề án 06/CP được quan tâm, qua đó đã kịp thời ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ, ngành và phù hợp yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Anh-tin-bai

Đại diện Công an tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06/CP thời gian qua

Để tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06 theo lộ trình năm 2024, ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể hoá các nhiệm vụ, chi tiết hoá lộ trình thực hiện với nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”; đã kịp thời tổ chức “Hội nghị rà soát triển khai các giải pháp thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh”, trong đó đặc biệt giao rõ chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trong năm 2024.

Về triển khai các Mô hình thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06/CP, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 16/38 mô hình; 21/38 còn lại đang triển khai thực hiện và 01 mô hình chưa triển khai thực hiện, trong đó một số mô hình khó đã hoàn thành đem lại giá trị thực tiễn lớn trong đời sống như Mô hình - Triển khai cho vay tín chấp công dân. Bước đầu, người dân đã được thụ hưởng hiệu quả của Đề án với những con số tuyệt đối như: 100% người đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh đã được cấp thẻ Căn cước công dân; 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thu nộp học phí không dùng tiền mặt; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng thẻ Căn cước thay thế BHYT trong khám, chữa bệnh…

Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến nên theo đánh giá tại “Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của Bộ, ngành, địa phương trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia" 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An xếp thứ 38/63, tăng 05 bậc so với năm 2023. Một số nội dung đã có sự chuyển biến cao so với năm 2023, như: Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tăng 16,6%; Số hóa hồ sơ tăng 24%; Thanh toán trực tuyến tăng 32,78%... Toàn tỉnh đã thành lập 460 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 3.793 tổ cấp thôn, xóm với 23.314 người tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Một số đơn vị còn có các nhiệm vụ đang chậm tiến độ theo lộ trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh thuộc trách nhiệm của mình, trong đó có những nhiệm vụ đã đôn đốc nhiều lần nhưng chuyển biến chậm, nguy cơ rất lớn sẽ không hoàn thành được các nhiệm vụ Đề án trên địa bàn tỉnh.

Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chưa đạt tỷ lệ 70% theo yêu cầu: 15/18 Sở, ban, ngành và 18/21 địa phương; 100% Sở, ban, ngành, địa phương chưa đạt tỷ lệ 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa; chưa thực hiện khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã số hóa. Sở Y tế với số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, không đạt chỉ tiêu 100%.

Sở LĐTB&XH với nhiệm vụ “bổ sung, cấp tài khoản mới cho người có nhu cầu chi trả qua tài khoản” chỉ đạt 65,16% không đạt chỉ tiêu 90-100%;  Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường chưa hoàn thành số hóa dữ liệu. Sở Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì tham mưu đưa Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) vào hoạt động chính thức trong năm 2024, tuy nhiên, nhiệm vụ này không thể hoàn thành trong năm 2024. Sở Nội vụ chưa hoàn thành đưa nội dung về kết quả thực hiện Đề án 06/CP trở thành tiêu chí thi đua, khen thưởng…

Anh-tin-bai

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Minh Tuệ làm rõ những hạn chế của ngành Y tế trong thực hiện Đề án 06/CP

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở, ngành đã làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; đồng thời đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các ngành, địa phương trong thực hiện Đề án 06/CP.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành còn tồn tại ngay sau hội nghị phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Bên cạnh đó, các ngành cần nghiên cứu cơ chế để hỗ trợ cho người dân trong thực hiện Đề án 06/CP gắn với Đề án giảm nghèo bền vững. Tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện số hóa trong các hoạt động giao dịch dân sự; đảm bảo an toàn an ninh trong giao dịch điện tử. Tăng cường công tác tuyên truyền về việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP cho cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước, nhất là các nội dung đang còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông khẩn trương tổng hợp, đánh giá tất cả các nội dung của Đề án 06 trong năm 2024 của các Sở, ngành, UBND cấp huyện. Trong đó, chỉ rõ đơn vị nào yếu, kém, tồn tại, hạn chế kéo dài… Lấy kết quả thực hiện Đề án 06 là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ…

PT