Thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng
UBND
tỉnh đã ban hành Công văn số 6695/UBND-TH ngày 9/8, về việc thực hiện các biện
pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban,
ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền, phổ biến
kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên
môi trường mạng đến các trường học, lớp học, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố,
khu dân cư; giáo dục, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường
xuyên quan tâm, đồng hành cùng trẻ trên môi trường mạng. Phát triển các chương
trình, hình thức giáo dục thông qua hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, các tổ
chức xã hội, tổ dân phố, trung tâm tư vấn.
Đổi mới cách thức, nội dung công
tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ, thông qua ứng dụng
công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng Internet và mạng xã hội. Triển
khai các hoạt động khuyến khích, đề nghị các gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc
trẻ em, giáo viên, phóng viên, biên tập viên, nhà báo chủ động, thường xuyên cập
nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu
thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi
tham gia môi trường mạng.
Các cơ quan, đơn vị triển khai các
biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với 100% trẻ em bị xâm hại trên môi
trường mạng khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã
hội. Xử lý đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân khi bị tố
giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng.
Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với
các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan Báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy
mạnh tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ nguy hiểm, xâm hại trẻ em trên không
gian mạng. Rà soát, phát hiện kịp thời các thông tin độc hại trên môi trường mạng
để xử lý kịp thời các thông tin không phù hợp, không có lợi cho trẻ em. Nghiên
cứu tham mưu thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc theo chỉ đạo của Bộ
TT&TT để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, thông tin xấu, độc nói chung và
thông tin có ảnh hưởng đến trẻ em trên không gian mạng nói riêng.
Sở GD&ĐT xây dựng mô hình, quy
chế quản lý việc dạy học trực tuyến và hướng dẫn cho nhà trường, giáo viên về nội
dung bảo đảm an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với các hoạt
động giảng dạy, quản lý giáo dục. Triển khai các giải pháp kỹ thuật tại trường
học nhằm giám sát, chặn lọc truy cập nội dung vi phạm pháp luật, nội dung không
phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi.
Cùng với đó, chỉ đạo 100% các trường
Tiểu học, THCS, THPT định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến
thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. Tăng cường
tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của giáo viên về hỗ trợ, bảo vệ trẻ em
tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng nhằm nâng cao chất lượng công
tác tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, học sinh, phụ huynh.
Sở LĐTB&XH chủ trì phối hợp với
các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo 100% cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ
em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần
thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. Thường xuyên đôn đốc, kiểm
tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
tại địa phương và có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm các
quy định liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa
phương.
Đồng thời, tăng cường phối hợp liên
ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
tại các cấp, các ngành; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của
người dân trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên
môi trường mạng.
Các đơn vị thiết lập mạng xã hội có
trụ sở trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp thực hiện rà quét, phát hiện,
gỡ chặn các thông tin, bài viết, hội nhóm ảnh hưởng tới trẻ em, trẻ vị thành
niên để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; có thông tin cảnh báo, khuyến khích
các nội dung không phù hợp trẻ em.
Kim Oanh (T/h)