Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù tạo động lực đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo
Tại Công văn số 4119/UBND-VX ngày
13/5/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai
thực hiện Kết luận số 483-KL/TU ngày 23/4/2025 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh
sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/11/2021 của Ban chấp
hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh
Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo hiệu quả, đúng
quy định; tham mưu UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền.
Theo đó, tại
Kết luận số 483-KL/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu tiếp tục quán triệt,
triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước về giáo dục và đào tạo. Rà soát phát hiện những bất cập trong triển khai
thực hiện các chính sách để tham mưu đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung các cơ
chế, chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục
nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù tạo động lực đột phá trong đổi mới căn
bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển
các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trung học phổ thông thực hiện thí điểm
mô hình phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh. Đổi mới cơ chế, chính sách
khuyến khích các cơ sở giáo dục vùng thuận lợi xây dựng phương án tự chủ tài
chính.
Thực hiện
quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng đồng bộ, liên thông, tinh gọn, phù
hợp với thực tiễn, tiết kiệm nguồn lực đầu tư, gắn với sáp nhập địa bàn hành
chính cấp xã và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Giảm các điểm lẻ, lớp
ghép ở trường có quy hoạch chưa hợp lý, không đảm bảo các điều kiện cho hoạt
động dạy và học. Tập trung các nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn,
tạo nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: chuyển đổi số, chuyển đổi
xanh, chuyển đổi thông minh.
Phát triển
hệ thống trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; các
trường chất lượng cao, hình thành các trường năng khiếu để triển khai chương
trình khoa học tự nhiên, chương trình Stem. Chủ động trong việc thực hiện thí
điểm mô hình các trường công lập tự chủ chi thường xuyên ở những vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, trường trọng điểm chất lượng cao. Giữ vững và
nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia mức độ 1, nâng tỷ lệ trường học đạt
chuẩn quốc gia mức độ 2.
Tập trung
xây dựng cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên
giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (tin học, tiếng Anh, chuyên môn nghiệp
vụ...) ngắn hạn ở nước ngoài; đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành
giáo dục nhằm đáp ứng chuyển đổi số, đổi
mới sáng tạo; đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Đồng
thời chú trọng công tác quản lý, bảo quản, sử dụng đúng mục đích, đảm bảo an
toàn, chống xuống cấp các công trình, các trang thiết bị từng lớp học, từng cơ
sở giáo dục.
Chú trọng
công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo
dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo,
đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên các nguồn lực để phát triển dịch vụ số, năng lực số
cho đội ngũ cán bộ quản lý để ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo
phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục
nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo
dục thường xuyên. Trong đó chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai hiệu quả
Chương trình giáo dục mầm non mới, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của
địa phương; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện phổ cập mẫu giáo cho trẻ 3
- 4 tuổi; tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công
lập, nhất là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập. Tập trung
đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm
chất học sinh phổ thông; chú trọng thực hiện tốt công tác phân luồng và đào tạo
nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT.
Tiếp tục
triển khai thực hiện các mô hình: Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ
năng sống trong các trường học; giáo dục STEM; phối hợp gia đình, nhà trường và
cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục học sinh; trường phổ thông dân tộc bán trú
kiểu mới; trường trọng điểm chất lượng cao; trường tiên tiến theo xu thế hội
nhập quốc tế... Cuộc vận động học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong
buổi học; chương trình phòng giúp phòng, trường giúp trường, tổ bộ môn giúp tổ
bộ môn.
Đẩy mạnh cải
cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý và hỗ
trợ hoạt động của ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào
tạo. Xây dựng hệ thống học liệu mở, thư viện điện tử, mua quyền khai thác dữ
liệu khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Phối hợp tốt
với gia đình học sinh và các lực lượng xã hội, tăng cường trao đổi, kết nối,
chia sẻ thông tin, ra quyết định, đánh giá sự tiến bộ của học sinh; hỗ trợ,
giúp đỡ các em học sinh tu dưỡng, rèn luyện tránh xa các tệ nạn và tư vấn để
các em vượt qua những khó khăn trong học tập, trong đời sống tâm sinh lý lứa
tuổi.
Xây dựng môi
trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, tăng cường giáo dục đạo đức,
lối sống, hình thành phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới; tiếp tục
phát huy, quảng bá những giá trị tốt đẹp của con người, quê hương Xứ Nghệ ra
trường quốc tế.
PT (Tổng hợp)