Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sơ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội
Sau
27 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII)
về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, trên địa bàn tỉnh đạt
được những kết quả tích cực. Các xã, phường, thị
trấn triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả QCDC ở cơ sở; các nội dung
dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng đã được
các địa phương cụ thể hóa thực hiện đồng bộ, phù hợp với tình hình cơ sở. Việc
triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị
sự nghiệp công lập tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp.
Chỉ thị số
30-CT/TW ra đời được đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng
tình ủng hộ. Trước năm 1998, toàn tỉnh có gần 100 xã có vấn đề phức tạp về tình
hình đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, ở nhiều nơi có đơn thư khiếu kiện
vượt cấp, khiếu kiện đông người kéo về huyện, về tỉnh xảy ra nhiều. Sau khi có
Chỉ thị 30-CT/TW, cấp uỷ các cấp đã tổ chức quán triệt nghiêm túc, đánh giá kiểm
điểm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, làm nghiêm từ trong Đảng, chính
quyền ra dân, từ đó đã tạo được chuyển biến tích cực. Đến nay, Nghệ An cơ bản
không còn "điểm nóng" chỉ có những điểm phức tạp về an ninh trật tự
nhưng cũng không còn nhiều, đơn thư giảm rõ rệt, đặc biệt là hạn chế nhiều tình
trạng khiếu kiện đông người, đơn thư vượt cấp. Nhân dân tin tưởng hơn đối với sự
lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Thông
qua thực hiện QCDC ở cơ sở đã nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của các tổ
chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về ý thức
rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, về ý thức phục vụ nhân dân được
nâng lên. Tạo ra động lực to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,
quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Từ năm 2003 đến
nay, phát huy vai trò tự quản, tự nguyện của nhân dân, các hoạt động an sinh xã
hội, giúp đỡ người nghèo, người khó khăn luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của
các tầng lớp nhân dân với tổng kinh phí, hàng hóa hỗ trợ các chương trình an
sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trên 2.500 tỷ đồng. Hàng năm, 100% hộ nghèo trên địa
bàn tỉnh đều được nhận quà Tết. Tính từ tháng 2/2023 – ngày 15/5/2025, toàn tỉnh
đã hoàn thành xây dựng mới và sửa chữa 17.118 căn nhà (xây mới 12.057 căn, sửa
chữa 5.061 căn), giúp người dân "an cư lạc nghiệp", ổn định cuộc sống,
từng bước thoát nghèo, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Năm 1999, toàn tỉnh
có 257 doanh nghiệp nhà nước, hiện nay còn 17 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước
do UBND tỉnh quản lý và 15 doanh nghiệp có vốn nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện
chủ sở hữu. Việc thực hiện QCDC trong doanh nghiệp được triển khai tương đối đồng
bộ, nghiêm túc. Nhìn chung các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm túc, có
hiệu quả QCDC ở cơ sở, qua đó đã tạo động lực quan trọng vào việc thực hiện thắng
lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người
lao động.
Trong thời
gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt phương châm "dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Mở rộng dân
chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân chính là mục tiêu, động
lực đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới. Thực hiện tốt
dân chủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an
ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ của cán
bộ, công chức, viên chức đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, Nhân dân
tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Cùng với đó, tiếp
tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tinh thần và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền,
nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong thực
hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, các Kết luận, Nghị định của Bộ Chính trị, Chính phủ về
tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện
QCDC ở cơ sở. Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong quá trình triển khai công tác Đại
hội Đảng các cấp, đảm bảo phát huy dân chủ trong tổ chức cơ sở đảng, góp phần
hoàn thành thắng lợi Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, bầu cử Đại biểu
Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Đồng thời thực hiện dân chủ ở cơ sở
gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là
trong phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát
huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các tổ chức trong hệ thống chính trị
và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường tiếp xúc đối thoại trực tiếp
giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp với nhân dân
theo quy định. Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ hoà giải ở cơ sở và giải quyết
kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân…
Kim Oanh (T/h)
Nguồn: Báo cáo số 571-BC/TU ngày 22/5/2025 tổng kết Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (Khoá VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở