Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Nghệ An
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban
Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng
yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh Nghệ An đã làm tốt việc đưa các quy
định về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa vào hương ước, quy ước của
khu dân cư.
Chất lượng giáo dục và
đào tạo được nâng cao, gắn kết việc dạy người với dạy chữ thông qua các cuộc vận
động nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch. Có 100% trường
học từ mầm non đến THCS đưa dân ca Ví dặm, văn hóa lịch sử của địa phương vào
trường học. Phong trào hiếu học, khuyến học trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
phát triển rộng khắp. Mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được
nâng cao, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp trong tính cách, phẩm chất của con
người Nghệ vẫn được giữ vững và phát huy, góp phần xây dựng nhân cách con người
Nghệ An hiện đại. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp
cho cộng đồng trong phát huy các giá trị văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 07 nghệ
sĩ nhân dân, 30 nghệ sĩ ưu tú, 01 tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh về công
trình nghiên cứi văn nghệ dân gian. Công tác gia đình, giáo dục đời sống gia
đình, phòng chống bạo lực gia đình được quan tâm. Tính đến tháng 3/2024, toàn tỉnh
xây dựng được 237 mô hình phòng chống bạo lực gia đình.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy
chỉ đạo đưa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa
thành một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại hàng năm. Phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
nông mới được triển khai đồng bộ, rộng khắp, đạt nhiều kết quả. Quan tâm, tạo
điều kiện để hoạt động văn hóa, nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng
tư tưởng chính trị của Đảng. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống diễn biến hòa
bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và
tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Việc ban hành và triển
khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 03/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về
tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh
đã tạo bước chuyển rất quan trọng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác
quản lý nhà nước về văn hóa được đổi mới, nâng cao hiệu quả, phù hợp với điều
kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.
Đồng thời, quan tâm, tạo
điều kiện hỗ trợ cho các nghệ nhân, tài năng trẻ, hoạt động nghệ thuật truyền
thống, giáo dục truyền thống, lịch sử, đạo đức trong các tầng lớp nhân dân.
Thành lập và phát triển nhiều mô hình câu lạc bộ, mô hình, điển hình thực hiện
nếp sống văn hóa, văn minh. Nâng cấp chất lượng hoạt động của thư viện, tủ
sách, hệ thống truyền thanh cơ sở.
Sau 10 năm triển khai
thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, đội ngũ cán bộ văn hóa của tỉnh ngày càng được
tăng cường, bổ sung với cơ cấu hợp lý về độ tuổi, giới tính, trình độ, đáp ứng
yêu cầu quản lý nhà nước cũng như thực thi công vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng
đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số, có chính sách khuyến khích trở về
công tác tại địa phương. Hình thành quỹ đào tạo khuyến học tại địa phương và Quỹ
Tâm Tài Nghệ An, tôn vinh những người con quê hương Nghệ An có thành tích trong
học tập, lao động nghệ thuật và thể dục thể thao. Trong 10 năm qua, tỉnh đã tập
trung xây dựng, trùng tu, tôn tạo một số công trình văn hóa trọng điểm như: Nhà
hát dân ca tại thành phố Vinh; Bảo tàng Nghệ An; hoàn thiện dự án Khu di tích
Kim Liên gắn với phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm Phan Bội
Châu, đền thờ Vua Mai Hắc Đế…
Tuy nhiên, một bộ phận
cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ và quan
tâm việc phát triển văn hóa tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa xem văn
hóa là nguồn lực, động lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.
Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, phản ánh tầm vóc của sự
nghiệp đổi mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền
địa phương chưa quyết liệt, chưa bám sát nội dung Nghị quyết số 33. Hoạt động
quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa ở một số địa phương còn nhiều bất cập, có
biểu hiện thiếu văn minh trong kinh doanh, giao tiếp, ứng xử, cạnh tranh.
Việc bảo tồn, lưu giữ,
phát huy các di sản văn hóa phi vật thể nhất là các di sản văn hóa của đồng bào
các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp
chưa được bảo tồn, trùng tu, sửa chữa và quan tâm đúng mức; một số giá trị văn
hóa truyền thống có biểu hiện mai một; các loại hình nghệ thuật truyền thống
khôi phục chưa nhiều. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa xây dựng được nhiều mô hình, điểm
sáng văn hóa...
Quang Minh