Nghệ An tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
Quang cảnh hội nghị góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Mai Hoa
Sáng
16/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ
chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một
số điều của Hiến pháp năm 2013. Các đồng chí: Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ
tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; Trương
Thiết Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An
chủ trì hội nghị.
“Hiến
pháp năm 2013 có 11 chương, 120 điều. Theo dự thảo nghị quyết yêu cầu
sửa đổi, bổ sung 8 điều của Hiến pháp; gồm Điều 9; Điều 10; Khoản 1 Điều
84; Điều 110; Khoản 2 Điều 111; Khoản 2 Điều 112; Khoản 1 Điều 114;
Khoản 2 Điều 115; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và
điều khoản chuyển tiếp.
Sửa đổi Hiến pháp phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Tại
hội nghị, ý kiến góp ý của các đại biểu đều khẳng định sự đồng tình
việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn
tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với phạm vi sửa đổi tập trung vào
các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức
chính quyền địa phương; đồng thời, quy định đầy đủ, cụ thể và chặt chẽ,
nâng tầm vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các tổ chức,
ngành trong hệ thống chính trị.
Đồng
tình về bố cục, nội dung được sửa đổi, bổ sung, các ý kiến cũng đã góp ý
cụ thể từng điều được xin ý kiến sửa đổi, bổ sung. Một số đại biểu băn
khoăn và đề nghị cần xem xét khái niệm “bộ phận” tại Điều 9: “Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo…”. Nếu dùng
khái niệm “bộ phận” thì không thể hiện được vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Các
đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình cao dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ
sung đối với Điều 9 của Hiến pháp, quy định rõ 5 tổ chức: Công đoàn
Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ
chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành
lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình.
Đồng
thời, tại Điều 10 Hiến pháp cũng được bổ sung nâng tầm vai trò của tổ
chức Công đoàn khi quy định, tổ chức Công đoàn Việt Nam vừa đại diện của
người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và nâng tầm thêm ở
vai trò quan hệ quốc tế về công đoàn.
Tuy
nhiên, có đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung về quyền tham gia giám
sát, phản biện xã hội và tổ chức các phong trào thi đua trong người lao
động. Điều này trong thực tiễn đã được tổ chức Công đoàn triển khai rất
tốt, được các doanh nghiệp ghi nhận.
Một
số ý kiến cũng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc và các
tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên; đề xuất nghiên cứu
đối với tổ chức Hội Cựu Công an nhân dân là một tổ chức chính trị - xã
hội hoặc lồng ghép vào tổ chức Hội Cựu chiến binh.
Các
đại biểu cũng đã góp ý cụ thể vào Điều 84 với kiến nghị cần quy định rõ
thẩm quyền trình cơ quan trình dự án luật và trình pháp lệnh trước Quốc
hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với Điều 110, cần quy định rõ hơn
về điều chỉnh địa giới hành chính và chính quyền địa phương theo quy
định của Hiến pháp; bổ sung thêm quy định lấy ý kiến nhân dân vào việc
thành lập, chia tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính.
Nhiều
đại biểu góp ý vào Điều 115, đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm,
quyền hạn của đại biểu HĐND được chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và
Viện trưởng Viện Kiểm sát các cấp, nhằm vừa phát huy dân chủ, vừa giúp
các cơ quan kịp thời sửa đổi và hoàn thiện việc thực hiện chức trách,
nhiệm vụ của mình. Đây là điều rất quan trọng, nếu không có là “điểm
trống” để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động…
Lan tỏa trách nhiệm góp ý kiến xây dựng Hiến pháp trong toàn dân
Phát
biểu tại hội nghị, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao
tinh thần trách nhiệm nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến
pháp của các đại biểu.
Khẳng
định, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An sẽ
tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền
tiếp thu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Nguyễn Đức Thành cũng mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và lan
tỏa ý thức, trách nhiệm góp ý xây dựng Hiến pháp trong toàn xã hội nhằm
phát huy quyền làm chủ và khơi dậy tinh thần trách nhiệm cống hiến xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân.
Nguồn: Báo Nghệ An (16/5/2025).