Hôm nay Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều đạo luật quan trọng
Ngày 29/11, trong phiên buổi sáng
Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội
dung: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng
nhân dân.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường,
biểu quyết thông qua các nội dung: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách
nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật
Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch,
Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu
thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Tiếp sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo
đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ
thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh
thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ
Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa
phương làm, địa phương chịu trách nhiệm,” Trung ương, Quốc hội, Chính
phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra,
giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt
giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm,
tránh tạo cơ chế “xin-cho”…
5 nhóm chính sách lớn tại hồ sơ đề
xuất xây dựng Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), gồm: Nhóm chính sách thể
chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho
phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền;
nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn
lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp
nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch
vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài);
nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các
khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ
thống pháp luật…/.
Nguồn: vietnamplus.vn (29/11/2024).